Search Our Blog

Mar 30, 2009

Sống để yêu thương

Sống để yêu thương


"Anh nghĩ gì về tự tử?", một giọng nữ yếu ớt cất lên ở đầu dây bên kia.


Tôi không trông chờ một cuộc gọi báo tự sát lúc tám giờ năm mươi chín phút sáng, một phút trước khi Văn phòng Đường Dây Giúp Đỡ mở cửa. Bình thường những cuộc gọi thông báo tự tử hay đánh thức tôi dậy và lúc nửa đêm. Người gọi đến thường mong chờ được nói chuyện trực tiếp với nhân viên văn phòng hơn là với một tình nguyện viên vừa tan ca về nhà như tôi.

Trong kì huấn luyện của chúng tôi, chúng tôi học cách lắng nghe hơn là trả lời một cách không nghiêm túc như: "Tôi phản đối nó". Tôi chỉ việc chờ và người gọi sẽ tiếp tục. Trong khi bà ta nói, tôi kiểm tra lại hồ sơ của bà ta.

"Tôi sống ở một bệnh xá gần thành phố", bà nói. "Tôi bảy mươi sáu tuổi... và tôi đang chết". Giọng của bà như lạc đi khi bà cố lấy hơi tiếp theo. "Tôi bị ung thư và khí thũng. Chẳng có hy vọng gì là tôi sẽ khỏi cả. Tôi không muốn là gánh nặng cho cả gia đình nữa. Tôi chỉ muốn chết thôi", bà cụ vừa nói vừa khóc.

Mặc dù tôi đã trả lời cho Đường Dây Nóng Giúp Đỡ này trong nhiều năm rồi, nhưng những cuộc gọi như thế này vẫn làm tôi sợ. Cuộc sống rất quý giá. Tôi chắc chắn rằng không có một lúc nào đó tôi có thể nghĩ tới tự tử như là một giải pháp.

"Bà đã nói chuyện với ai đó ở bệnh viện về điều này chưa ạ?", tôi hỏi thăm.

Bà cụ trả lời: "Khi tôi đề cập điều này với những người y tá ở đây, họ sợ hãi và gọi cho bác sĩ của tôi và gia đình tôi. Mọi người vội vã chạy đến, nhưng không có ai... không ai lắng nghe cả. Vì vậy tôi mới gọi cho anh." Một lần nữa, giọng nói yếu ớt của bà lại ngưng một lúc.

"Cháu vẫn đang nghe đây", tôi nói nhỏ.

"Ông nhà tôi đã mất chín năm rồi. Khi tôi bảo với chúng nó là tôi rất nhờ ông ấy, chúng bảo chúng hiểu", bà tiếp tục. "Nhưng chúng không thể hiểu được. Khi tôi về sự đau đớn, chúng lại hứa sẽ tăng thêm liều thuốc cho tôi. Thuốc chỉ làm tôi thêm mệt mỏi thôi." Dừng một lúc để ho, bà tiếp tục một cách ngập ngừng. "Tôi nói với chúng tôi sẵn sàng về nhà để gặp Thượng đế. Chúng nói tự tử là tội lỗi, vì thế tôi đã hứa là sẽ không nghĩ đến việc tự giết mình nữa, nhưng tôi vẫn nghĩ đến nó... mọi lúc. Tôi chẳng còn lý do gì để sống nữa."

Tôi bối rối và cố lựa lời để nói với bà, tôi tự hỏi: Mình nên nói với bà cụ này như thế nào đây để giúp được bà? Trước đây tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng tự tử là sai. Tuy nhiên tôi lại cảm thấy lí do của bà cụ đó rất đáng thương. Chắc chắn rằng cuộc sống của bà ấy không thể khá hơn được nữa.

Tôi nhớ đến một chàng trai đã từng gọi cho tôi trong đến Giao thừa với một khẩu súng trên tay. Sau khi chúng tôi trò chuyện hết buổi đêm cô đơn ấy, anh ta nói anh đã thấy được một tia hy vọng. Niềm hy vọng nào tôi có thể mang lại cho người gọi đang tuyệt vọng này? tôi tự hỏi.

Tôi quyết định lảng tránh chủ đề một lúc. "Bà kể cháu nghe về gia đình bà đi."

Bà cụ nói một cách âu yếm về những đứa con và cháu của bà. Chúng đến thăm bà thường xuyên tại bệnh viện. Bà rất muốn được gặp chúng, nhưng lại cảm thấy có lỗi khi bắt chúng tách khỏi gia đình và những hoạt động riêng của chúng.

Andrew, đứa con giữa bất trị của bà, đã rất gần gũi với bà trong lúc bà bệnh. Khi nghe được tin mẹ sắp chết, anh đã xin lỗi vì quãng thời gian thiếu suy nghĩ suốt những năm tuổi trẻ.

Khi bà cụ đang nói, tôi nhớ lại lần tôi đến thăm Ngoại Florence của tôi. Vào một buổi tối, ngay khi vừa về đến nhà, tôi nhận được một cuộc gọi. Sức khỏe của Ngoại Florence đang chuyển biến xấu và họ muốn tôi quay trở lại ngay lập tức. Khi tôi ngồi bên Ngoại, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má tôi. Người y tá cố an ủi tôi: "Bà đã sẵn sàng ra đi rồi."

Tôi giận dữ vặn lại: "Nhưng tôi chưa sẵn sàng để bà tôi ra đi!" Ngoại tôi mất sáu tuần sau đó. Lúc đó tôi đã sẵn sàng để bà ra đi và tôi thấy vui khi Thượng đế đã để Ngoại ở lại với tôi thêm một lúc.

Có lẽ ai đó trong cuộc đời của bà cụ này đang cần thêm thời gian, tôi nghĩ. Tôi kể cho bà nghe kỉ niệm của tôi và nói: "Có lẽ Thượng đế đang cho ai đó trong nhà bà thêm một chút thời gian."

Bà cụ im lặng trong vài giây trước khi bà kể tiếp về Andrew. "Tôi vui là tôi đã không chết sáu tháng trước đây, mặc dù lúc đó tôi cũng định tự tử."

Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi nhận ra rằng trong những tháng sau khi bà biết mình bị ung thư, Andrew, một thợ mộc tài giỏi, đã làm cho bà một bình đựng tro rất đẹp. Mặc dù bà cụ chưa bao giờ nghi ngờ về tình yêu cùa Andrew, anh ta vẫn cần những ngày tháng đó để cho bà thấy anh quan tâm đến bà như thế nào. Nhưng bây giờ chiếc bình đã được làm xong và anh đã có thời gian để cảm thấy thanh thản.

"Có thể Thượng đế sẽ cho bà sống lâu hơn như ý nguyện của một ai đó trong gia đình bà", tôi giả định.

"Ừ, dĩ nhiên rồi... nó phải là Sarah", bà nói một cách buồn bã.

Tôi không nhớ là bà đã nói đến Sarah. "Sarah là ai vậy?", tôi hỏi.

"Nó là cháu ngoại của tôi. Nó vừa mới bị sinh non. Tôi rất lo cho con bé. Sự mất mát của nó quá to lớn. Có lẽ Thượng đế biết Sarah sẽ không chịu nổi thêm một cái chết nữa bây giờ đâu."

Giọng nói của bà cụ đã trở nên mạnh mẽ hơn. Theo những gì tôi được học từ khóa đào tạo, đây là dấu hiệu cho thấy người ta bắt đầu tìm được một tia hy vọng. Niềm hy vọng của bà cụ này không phải đến từ viễn cảnh về sự khá hơn của cuộc đời bà, mà là từ cảm nhận của bà rằng bà có lý do để tiếp tục sống trên cõi đời này. Có một người cần sự giúp đỡ của bà trên trái đất này lâu hơn một chút.

Ellen Javernich



Sống Mùa Chay theo Tinh Thần Gia Đình Nazareth

Sống Mùa Chay theo Tinh Thần Gia Đình Nazareth


Gia đình Nazareth, tuy là thánh trổi vượt trên các bậc thánh, nhưng Thiên Chúa vẫn không “giảm trừ” những gian nan, những vất vả ngược xuôi, những nghèo khó và những đớn đau tủi nhục, đến nỗi lặng câm đón nhận lấy cái án tử đối với Chúa Giêsu, mà khi Đức Mẹ Maria tiếp nhận truyền tin từ thiên sứ, Người đã nghe nói: “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối cao và Chúa Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!” (Lc 1,31-33). Vậy mà giờ này, sau 33 năm như thế, Đức Mẹ đón nhận vào lòng mình một thân thể bầm tím và đầy máu, không còn hình tượng!

Có người mẹ trần thế nào như Đức Mẹ Maria?!

Còn thánh Giuse? Suốt cuộc đời lao động vất vả, bôn ba vì con trẻ Giêsu, thuộc hoàng tộc Đavít, mà Giuse âm thầm chịu đựng, luôn lắng nghe, suy niệm và làm theo thánh ý Chúa trong mọi biến cố, từ việc đón nhận Maria đang thụ thai về nhà mình, đến việc nửa đêm trỗi dậy mang trẻ Giêsu và Maria sang nước Ai Cập, để tránh việc Hêrôđê truy sát giết chết con trẻ này.Giuse đã sống cuộc đời âm thầm và cũng có thể nói là rất tầm thường. Không một bản văn kinh thánh nào nói đến Giuse, ngoài 3 chữ : “Bác thợ mộc”, mà lại nói đến một cách có vẻ như coi thường cái nghề chân tay này.Thế nhưng, đó là một đấng “Công chính”, người đã sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa.

Còn Đức Chúa Giêsu? Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, nhưng tự hạ mình để yêu mến và phục vụ con người và cuối cùng tự hủy để nên trọn là Người Con Chí Ái của Chúa Cha,đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc tại đồi Can-vê. Chính nơi này, Đức Chúa Giêsu đã vào vinh quang với Cha của Ngài.

Đấy là con đường Đức Chúa Giêsu đã đi. Không có con đường thứ hai cho chúng ta. Tuy nhiên, bản tính con người lại như muốn tránh xa đau khổ, gian nan và thử thách. Khi không thể tránh được thì buông lời đắng cay, chán nản, ngã lòng, mất lòng cậy trông vào tình thương của Chúa, để cuối cùng là mất đức tin, không tin vào Lời Chúa: “Kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu!” (Mt 24, 13)

Một số khác khi đạt tới danh vọng, giàu có thì lại như muốn dừng chân ở điểm này mà quên đi mình là phận người, một ngày nào đó chẳng biết, cũng trở về với đất, trở về tro bụi.Một lần, Chúa Giêsu dẫn Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor, Người cho các ông thấy Thánh Nhan của Người trong giây lát: áo Người nên rạng ngời trắng tinh không thợ giặt trần gian nào phiếu được trắng như thế.(Mc 9,3) Thấy thế, các môn đệ của Chúa mừng quýnh lên, muốn “cắm lều” ở lại đó luôn. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các ông “xuống núi”, trở về với cõi trần, về với “giây phút hiện tại” của kiếp người. Các ông đã đi hết đoạn đường phải đi đâu! Vội vàng chi? Lần thứ hai, khi Đức Chúa Giêsu lên trời sau 40 ngày từ cõi chết sống lại, các môn đệ cũng mãi nhìn lên trời để chiêm ngắm vinh quang của Thầy đến ngất ngây, khiến hai thiên sứ y phục trắng ngời đứng bên họ mà nhắc:
“Các ông, người Galilê, tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời? Đức Giêsu đây, Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Ngài sẽ đến cũng một thể như các ông đã thấy Ngài đi về trời.” (CVTĐ 1,11).

Người trần thế như vậy đó. Nói mình yêu thánh giá, vác thánh giá theo Chúa. Nhưng đấy là lúc chưa có thánh giá nào hết, lúc đang còn được hưởng cái thứ bình an của trần thế.Đến khi gian truân, cùng khổ, hoạn nạn ập đến thì lại không muốn nhận thánh giá. Khi không còn cách nào đẩy thánh giá cho người khác mang, họ đành vác với tâm trạng của người làm thuê, miễn cưỡng vác.

Nhận gia đình Nazareth làm mẫu gương không có nghĩa chỉ dừng lại ở những ý niệm về đạo đức, thánh thiện, vâng phục, lao động, khiêm nhường. Nhưng còn phải chấp nhận thử thách, khổ đau, phải yêu mến sự thanh bần, sự trong sạch; phải sống thánh thiện, sống đời sống thiêng liêng, sống nội tâm, sống kết hiệp với Chúa Giêsu, cầu nguyện, chay tịnh thiêng liêng, chay tinh thể xác, và không thể không thực thi sự công chính.


Trong đời sống xã hội hiện nay ở Việt Nam, khuynh hướng hưởng thụ, thích giàu có, thích xây nhà nhiều “tấm”, nhiều tầng, là rất phổ biến. Ở một xứ đạo có khoảng trên 5.000 người, hầu như toàn tòng, hiện tượng ganh đua xây nhà cao, sắm xe “tay ga” đắt tiền, dù “ăn không ngồi rồi”, chẳng có việc gì làm kiếm nhiều tiền. Nhưng ngày cũng như đêm, từ các nhà hàng đến lề đường trong thành phố, nơi đâu cũng đầy ứ khách sang hèn với ly bia trên tay, hô thật to: “ dzô, dzô”. Cà phê cũng lắm loai, lắm kiểu, lắm phong cách, ngày cũng như đêm, quán nào cũng ngập người ngồi. Có quán còn có bảo vệ mặc đồng phục; có khu vực nổi lên như một “Vương quốc Cà phê”. Nhiều gia đình ở xứ đạo nói trên, hầu như việc xây nhà cao, sắm xe “tay ga” đời mới đắt tiền, đều do tiền người nhà ở ngoài nước cung cấp.Điều này nói lên điều gì?

Gia đình Nazareth xưa sống thanh bần. Thế nhưng, trước Thiên Chúa, và với niềm tin, phải khẳng định rằng , gia đình Nazareth đầy tràn ân sủng, vì từ Đức Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, sống là để thực thi ý Thiên Chúa, tâm hồn luôn hướng về trời, nguyện xin cho đươc vâng theo ý Cha.Có Thiên Chúa ở cùng là có tất cả, không thiếu thốn chi.Đấy là sự giàu sang mà người Kitô hữu nào cũng nên “mua sắm” lấy cho mình.

Ngày Thứ Năm sau Chúa nhật thứ 2 Mùa Chay (Năm B), Giáo Hội công bố bài Tin Mừng theo thánh Luca,(16, 19-31),nói đến một người giàu có, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cửa ông nhà giàu, những ước ao có được những miếng thừa liệng dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no…

Dưới con mắt người đời, Ladarô là con người cùng khổ. Nhưng con mắt đức tin, Ladarô là người giàu, còn người phú hộ kia thì nghèo.Cái nghèo của một tâm hồn không biết đến người bên cạnh mình, không quan tâm đến ai, ngoại trừ cái bụng mê ăn uống. Còn Ladarô, tâm hồn luôn hướng về trời, hướng về Chúa tình yêu. Cho nên, khi chết, Ladarô được Abraham ôm vào lòng; còn ông nhà giàu kia phải đau khổ ở nơi hỏa ngục.

Người tín hữu Kitô chỉ có thể chọn một trong hai cách sống trên đây.

Antôn Triều




Ðức Ái Kitô Giáo trong Mùa Chay Thánh

Ðức Ái Kitô Giáo trong Mùa Chay Thánh
Lời ngỏ:
Yêu nhau như Chúa yêu thì cùng nhau đi lễ, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm điều tốt, cùng nhau nêu gương sáng, và cùng nhau thực thi bác ái.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Giáo Hội mẹ đã cho chúng ta một Mùa Chay Thánh để thực thi đức ái Kitô Giáo trong ý nghĩa đích thực của nó. Ai đã mang danh Kitô hữu thì cần phải thực hành nhân đức căn bản này. Vậy đức ái Kitô Giáo là gì? Ðức ái Kitô Giáo là “không” làm điều xấu, “có” làm điều tốt nhờ Ðức Kitô, với Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô.

Là một người tốt trong xã hội thì sẽ tránh không phạm những điều xấu mà xã hội nghiêm cấm. Ví dụ, như không xúc phạm đến ai, không làm hại ai, không ăn gian nói dối, không gian ác, không khinh thường người khác, không vu khống, không lường gạt, không hối lộ... Nếu tôi chỉ có thế, tức là “không” phạm điều xấu xa bị ngăn cấm, thiết tưởng tôi chỉ là một công dân tốt về mặt xã hội.

Nhưng nếu tôi đi thêm một bước bằng cách “không” làm điều xấu xa mà lại cố gắng “có” làm nhiều điều tốt như tham gia các công tác thiện nguyện, quyên góp, giúp đỡ và chia sẻ với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ bần cùng trong xã hội, thì tôi trở thành một người quảng đại có lòng nhân ái biết thương người. Như vậy từ một người không phiền hà đến ai, tôi đã trở thành một người có lòng nhân ái. Tôi tưởng tôi đã làm tròn bổn phận và sống đạo đầy đủ. Nhưng tôi đã lầm vì vẫn còn thiếu sót một cái gì rất quan trọng đến độ có giá trị cứu độ tôi và người khác. Ðó chính là Ðức Kitô. Tôi phải là người Công Giáo “không” làm điều xấu, “có” làm điều tốt nhờ Ðức Kitô, với Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô. Như thế mới là đức ái Kitô Giáo. Ðối với Thánh Phaolô thì dù tôi chia gia tài cho người khác, hoặc ngay cả đến hiến mạng sống mình vì người khác mà không có đức ái thì tôi vẫn chẳng là gì cả. Ðiều đó có nghĩa là chia sẻ, cho đi mà không vì Chúa thì vẫn chưa là Ðức ái Kitô Giáo.

Mùa Chay, Giáo Hội dạy chúng ta ăn chay, hãm mình để tập sống “không” ăn uống say sưa, “không” hưởng thụ, “không” dùng thời giờ, tiền bạc, sức khỏe cho mình nhiều. Nhưng chúng ta nên dành phần “có” dư ra cho việc bác ái, chia sẻ với tha nhân theo gương và lời dạy của Ðức Kitô, nhất là theo tinh thần của Thánh Lễ mà cao điểm chính là khi linh mục giơ cao Thánh Thể (Mình và Máu Chúa), miệng đọc lời tung hô: “Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô..”. Nói một cách cụ thể cho dễ hiểu thì một người Công Giáo tốt lành phải “có” tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, phải “có” nghe Lời Chúa và rước Thánh Thể. Phải tránh “không” làm điều lỗi giới răn Chúa và Giáo Hội. Ðặc biệt là phải “có” những hành động bác ái theo tinh thần Kitô Giáo nhờ Lời Chúa hướng dẫn và ơn Thánh Thần thúc đẩy. Ngày phán xét Chúa chỉ hỏi về những việc tốt lành chúng ta đã “có” thực hiện cho anh em mà thôi (x. Matthêu 25:31-46).

Trong đời sống lứa đôi, những cặp vợ chồng Công Giáo được Chúa nâng lên hàng Bí Tích, thì tình yêu giữa hai người là để diễn tả tình yêu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh (x. Eph 5:22-33). Ðể duy trì và phát triển tình yêu vợ chồng với nhau và để nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo ý của Thiên Chúa, thì mọi người trong gia đình cũng phải sống tinh thần chay tịnh theo ơn gọi của mình. Có nhiều điều vợ chồng ăn chay hãm mình như là “không” hút thuốc hoặc bài bạc nữa, bớt nóng giận, la mắng bữa bãi nữa, “không” chửi thề, nói lời thô tục, “không” la cà về nhà trễ nữa... Trái lại mỗi người sẽ cố gắng “có” nụ cười trên môi, “có” lời nói dịu dàng, lời cám ơn, xin lỗi, “có” sự hiền hòa, “có” đọc kinh, cầu nguyện chung/riêng trong gia đình, chia sẻ và thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ, dùng Lời Chúa an ủi, khích lệ nhau, “có” vài gương lành cho con cái, nhất là đi lễ chung, nghe Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Yêu nhau như Chúa yêu thì cùng nhau đi lễ, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm điều tốt, cùng nhau nêu gương sáng, và cùng nhau thực thi bác ái.
Lm. Trịnh Ngọc Danh

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes