Search Our Blog

Nov 30, 2011

ĐHGT hạt Gò Vấp lần VII: Jesus - Nguồn ánh sáng

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgkI8N_6kgGdRKnCJ5i26kK2usnwJmywuoz7In6l1jfvAp2BscxawHWTNdhGUAFHcy9SBBszP6PQPVO17zWbJp6VGSEozAzhGjtM0ptbxsQyNlXMyxcFl910X2Okzhhc1HKWiYwzb3y1cSW/s640/IMG_1396.JPGNhững chuẩn bị, những đợi chờ, những buổi khổ công luyện tập cũng qua.Thay vào đó là tâm trạng hồi hộp pha lẫn niềm vui, háo hức khi đến ngày biểu diễn...Không trực tiếp tập cùng anh em giới trẻ nhưng thấy các bạn thể hiện mới cảm nhận được sự vất vả nư thế nào..

Như một lời hẹn, lại đến dịp để anh em giới trẻ giáo xứ Xóm Thuốc nói riêng và anh em giới trẻ giáo hạt Gò Vấp nói chung cùng chung niềm vui khi chia sẻ vè gửi trao cho nhau những nụ cười, những vũ điệu hòa với chút máu lửa trong ngày hội giới trẻ hạt Gò Vấp lần VII này..

Cảm nhận riêng thôi:
- Phải nói năm nay Bố chọn chủ đề "hơi bị khó" là hướng về các dân tộc Tây Nguyên anh em giữa lòng thành phố...nhưng có lẽ nó đã thành công ngoài sự mong đợi..
- Một điều nữa là thấy anh em gtre Xóm Thuốc múa máu lửa quá, cũng không kém phần nóng bỏng..hihi..làm cho bầu khí ngày hội thêm nóng...

Vài cảm nhận thôi, để anh em giới trẻ thêm những cảm nhận cảu mình nữa nha....

Một số hình ảnh có được xin chia sẻ với anh em trước...
Còn nhiều nữa ở đây HÌNH ẢNH
VIDEO CLIP:   - Vũ khúc Tây Nguyên
                         - Lua thieng cao nguyen
                         - Dem dai ngan
                         - Len duong
                         - Bonus



https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhMXjQB8CUFRH8a4hUhnuyVn_Sk9DAU_Sgkd5Q7yKweI495dwRFl2Se_I-VKDT3iL6p0iaW1iPxBb59bFAFmY3_HhAdX9yaDXnRJ96HKhevLBFwWcUcyfhAZvGv9IFxgTjZDilvTVX_duZS/s640/IMG_1318.JPG

 https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjd7wm2WScIDMSHHlv7hDMuKoTLstKkrvd1jNs8V4g-08OwM07vDw3AzXnLmr7uEfvJbNY4EB2SBMRlhyphenhyphenXcmHBzUsbt4LbW8vMqYVaBqAg4sQrRRd01jxK1Blyp4TzPNET58SZzPdOtefFV/s640/IMG_1351.JPG

 https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjoyfTpLMV_HgUclMy2HVIrRqp6pWNjI1_4aqn1cGUWR-COLfmLkBjosrBKZ4aKJbaELGrFGDa78AH7TFGqyvZTuxZMYffa9gVtkRe-0mpoGM5ov2O9xmaCoMKGQLS0QzLEAdrqt_yP3V35/s640/IMG_1361.JPG

 https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgwtmrNeVYBCMOW1g21jBDy7RcS8X4OFBJBundI-qixBaWqAPp6br6tyd9fEQND7wx9aZM42dHppG6pzx5deXW2Cd7cFyGDa09mAYMqp2J99nD1o9Wre4g8QACrvk3APVMvw6krJ-H84IV-/s640/IMG_1345.JPG

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjhoG20xszrrRJV3-W0y-NNggf9xgZLXB9GKeIBjfLDQQt5MyjPrZS3kUBLkoIeyprOxowlt_QtKF2ZugT1SlLiZwdMnKaw-17FRUMb51F6KCLD5mPiKm113vgEKEhZrOcVW7LvsP9-cxZk/s640/IMG_1439.JPG

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgrop_cZ83BynnNeEXZIT50En9m62ENjb3eHyM98t0pJYODxzlld-fXu6yqJ2WPrKiYK4CQ2usHWWYlKscrOtInBByKNyNbBMZfQi6F6_Z7v3HqrDxGwmJTOP4NlEgIQMK3xFTdiKm5aWVp/s640/IMG_1451.JPG

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEje7d7CCNkFlnCbLHK-jF6_NT42p5WVJtanM5CRuV35Un_EbGwmMWZKweMi7eS41KiEi1c5RxutM-zkHv-1mGsCXVxQyvD097dfxXhPjLKh_non9HhxB-zpnXDBDCqsSWxV-xJtlnJJFJz4/s640/IMG_1466.JPG

Nov 28, 2011

NGÀY HỘI GIỚI TRẺ LẦN VII HẠT GÒ VẤP

NGÀY HỘI GIỚI TRẺ LẦN VII HẠT GÒ VẤP



Chủ đề : “ GIÊSU NGUỒN ÁNH SÁNG”
Bài Ca chủ đề : “Bước Đi trong Ánh Sáng”
Địa điểm : Tại Thánh Đường Giáo Xứ Xóm Thuốc (213 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM)
Thời gian : từ 17g30 – 21g thứ Bảy ngày 29 -11 – 2011


Đại hội giới trẻ lần 7 của giáo hạt Gò Vấp hướng về các dân tộc Cao Nguyên anh em rất đặc sắc. Thân mời tất cả mọi người hãy sắp xếp thời gian để đến tham gia và hòa mình vào những vũ điệu rất sôi nổi và rực cháy của các dân tộc Cao Nguyên.

Chú ý: Ai có vé mới được vào^.^

Hãy tránh nhìn về quá vãng

Vì sao những người trẻ hay hụt hẫng, mất quân bình? Ấy là bởi họ hay ngoái nhìn quá khứ.

Quá khứ của những người trẻ thì mỏng (tất nhiên rồi, càng trẻ thì càng ít quá khứ), thế mà họ cứ thích ngoái trông, họ tưởng rằng có thể rút ra từ đấy những bài học.

Họ nhầm.

Chỉ những người từng trải, nhiều tuổi mới nên hồi tưởng quá vãng. Họ đã (nhờ Trời) vượt qua các chặng, các mốc quan trọng và nhờ vậy, cái nhìn của họ bình thản và trong trẻo. Người trẻ tuổi nhìn quá khứ bao giờ cũng bị ám ảnh, nhìn không đúng bản chất, nhìn như qua một màn sương, một lớp kính dị dạng. Nhìn, nếu không bằng tâm trong sáng và vô tư, thì không những hồi ức không giúp gì cho hiện tại, không đem lại bài học nào tốt lành, mà còn làm cho hiện tại chao đảo. Mất cân bằng từ đó mà ra.

Vì sao ngoái nhìn quá khứ, ôn lại hồi ức, lại gây hại? Ấy là bởi phần đời quá khứ chưa đủ dày, những câu chuyện những kỷ niệm quá khứ xảy ra chưa lâu, người trẻ tuổi chưa thoát ra khỏi ràng buộc với quá khứ ấy – quá khứ mới mẻ vẫn như một phần của hiện tại – và kinh nghiệm (nếu có thể gọi đấy là kinh nghiệm) không đủ giúp người ta chọn lựa hướng đi đúng. Trải nghiệm cho dù đau thương, nếu còn mới nguyên, chỉ khiến người ta lặp lại sai lầm trước theo một cách có khi còn tệ hơn. Phải đủ lâu để tỉnh ra, để bình tâm, điều này người trẻ không có được.

Vết thương tinh thần cũng hệt như vết thương thể chất, phải lành hẳn rồi hãy dành cho nó một chỗ trong kho nghiên cứu “kinh nghiệm”. Vết thương thân thể chưa lành, ai dại gì đào bới vào nó; trong khi ấy những người trẻ luôn cho rằng cần viện dẫn đến các sai lầm vừa mới xảy ra để điều chỉnh cách sống. Không đúng, cực kỳ nhầm lẫn! Làm sao một vị bác sĩ có thể điều chỉnh được cách điều trị đối với một ca vừa xong, vì năm năm nữa ai bảo đảm được sẽ xảy ra/không xảy ra chuyện gì?

Mười năm là quãng thời gian ít nhất ta phải sống trước khi muốn nhìn nhận lại một chuyện. Minh triết là sở hữu riêng của những người có tuổi.

Tuổi trẻ hiện đại hay chao đảo, nối từ sai lầm này sang ngộ nhận khác, vì họ không sống cho hiện tại, không tận hưởng phút giây đang diễn ra, mà cứ thích gặm nhấm chuyện “ngày trước”. Ngày hôm nay dĩ nhiên khác ngày qua, ngày trước đâu có đủ cơn cớ để thành một giá trị; viện dẫn ngày qua để sống ngày nay là bám vào một nhánh cây lung lay sắp gãy.

Để có thể sống quân bình, an tĩnh, hãy tận hưởng cái phút giây hôm nay, phút giây hiện tại, ngày đang lên, giờ đang trải, nắng mưa đang trút xuống, hơi thở đang phập phồng trong lồng ngực. Bàn chân đặt trên đất là đất của hiện tại, bàn chân cũng là bàn chân hiện tại. Đất bây giờ đâu có giống đất quá khứ, hoài nhớ làm chi, ích gì!

Bản thân tôi đã từng phạm những sai lầm như vậy, hồi trẻ. Tôi cứ tưởng mình sẽ học được nhiều bài học khôn khi đọc lại nhật ký: à hồi ấy mình sai vì thế này thế nọ, giờ mình tránh. Tiếc thay, ta làm sao tránh được điều sẽ-xảy-ra không giống gì với điều đã-trải, ta làm sao đủ khôn ngoan nhận thấy mây trời thay hình đổi dạng từng giây, mà cơn mưa hôm nay không hề có gì chung với cơn mưa đêm trước.

Bản thân tôi từng nghĩ muốn cải thiện đời mình thì phải học ở quá khứ. Nhưng không ai dạy cho tôi biết quá khứ phải là quá khứ xa. Muốn có quá khứ xa, phải sống đủ, phải già. Tức là dù muốn dù không, bạn vẫn cứ phải trả giá cho từng ngày sống, chẳng thể tránh được những khổ lụy sai trái nhầm lẫn tuyệt vọng mà tuổi thanh xuân phải “hưởng” như món quà Trời ban, chẳng thể đốt giai đoạn để lập tức thành người trưởng thành khôn ngoan mẫn tiệp, chẳng thể noi gương ai cho dù đầy rẫy những tấm gương sáng trên đời. Làm điều gì không tự nhiên, thì mất cân bằng cầm chắc.

Tôi thường khuyên nhủ người tôi yêu, rằng hãy cất quá khứ vào ngăn sâu kỷ vật, để dành đấy đến sau này khi đã sống đủ, đã trưởng thành thực sự, đã lớn khôn, thì hãy mở ra xem. Hãy bỏ thói quen đọc lại nhật ký mà nét mực còn tươi mới. Hãy tránh bàn luận về những điều diễn ra chưa lâu. Không ai viết hồi ký khi còn trẻ là vì vậy. Đúng sai hay dở, đến cuối đời mới biết.

Học sống cân bằng chẳng khó. Giống bài học thở của Thiền mà thôi: tôi đang hít vào, tôi đang thở ra, tôi đang tận hưởng giây phút này.

Quốc Bảo


Nov 26, 2011

MỘT CÁCH TUYỂN NHÂN VIÊN

Đừng bao giờ quên rằng thành thật là một tài sản quý giá trong cuộc đời của bạn. Thành thật là đức tính tốt đẹp, là sự thể hiện của lòng tốt. Nó không chỉ làm cho người khác tin tưởng vào bạn, mà nó còn đem đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.

Một khách sạn nổi tiếng tuyển dụng chức danh giám đốc bộ phận.
Người tham gia thì rất đông.
Sau nhiều vòng tuyển chọn, chỉ còn lại 10 ứng cử viên. Đích thân ông chủ tịch hội đồng quản trị sẽ phỏng vấn họ.
Anh hồi hộp bước vào phòng phỏng vấn. Anh chưa kịp ngồi xuống ghế thì ông chủ tịch hội đồng quản trị đã mừng rỡ chạy lại ôm lấy anh: “Cuối cùng, tôi cũng tìm được anh.” Rồi ông quay lại nói với cô thư ký: “Cũng may, tuần trước, nhờ anh nầy mà con gái tôi đãc không bị chết đuối ở bể bơi. Sau khi cứu sống con tôi, anh ấy đã bỏ đi mà không để lại địa chỉ gì cả. Hôm nay, thật may mắn gặp được anh ấy ở đây.”

Anh nóng bừng hết cả mặt. Anh cảm thấy nữ thần số phận đang mỉm cười với anh, nhưng anh lấy lại bình tỉnh và nghĩ bụng rằng thành thật phải chăng quan trọng hơn chuyện được tuyển dụng:

- “Không thưa ông, ông nhận lầm người rồi.”
- “Nhận nhầm người ư? Không, không, tôi còn nhớ rõ trên gương mặt người thanh niên đó, cũng có một nốt ruồi rất to.”

Anh càng tỏ ra dứt khoát hơn:
- “Đúng là ông đã nhận lầm người rồi. Tuần trước, tôi không đi bơi.”
Hai ngày sau, anh đến khách sạn nhận việc. Anh nghe nói, trong số mười người trong vòng phỏng vấn cuối, chỉ có ba người được tuyển dụng.

Trong giờ nghỉ giải lao, anh hỏi cô thư ký của ông chủ tịch hội đồng quản trị:
- “Ông chủ tịch hội đồng quản trị đã tìm thấy ân nhân cứu mạng sống cho con gái mình chưa?”
Cô thư ký cười rất to:
- “Anh nói cái gì cơ? Ông chủ tịch hội đồng quản trị làm gì có con gái."

Đừng bao giờ quên rằng thành thật là một tài sản quý giá trong cuộc đời của bạn. Thành thật là đức tính tốt đẹp, là sự thể hiện của lòng tốt. Nó không chỉ làm cho người khác tin tưởng vào bạn, mà nó còn đem đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Cũng như vậy, khi tuyển dụng nhân viên, nhà lãnh đạo phải biết c
ách làm cho họ bộc lộ đức tính đó.

Nên quên ...


NÊN QUÊN ...


Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại.
Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh.

Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe.
Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói

“Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.

Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc.

Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường.

Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.
Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống.

Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình,

Cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.
Rất nhiều người thích câu thơ : “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”.

Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian.


Nhớ những cái cần nhớ,
quên những cái nên quên,
sống cuộc sống cởi mở,
trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

Nov 23, 2011

Những người chết bâng quơ

Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu ba ơi ba, con nhớ ba. Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt ê mầy tính móc túi hả mậy. Tất nhiên đứa nhỏ tiu ngỉu tẽn tò bỏ đi. Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người. Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn, biết đâu là con bạn thật.

Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi. Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ. Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà, chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột.

Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về. Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn sao lại bắn chết em bây. Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo. Vài độc giả hỏi chuyện đó có thật không, mình hỏi lại, sao không ?

Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy. Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ nên chỉ đạo cho vui, bảo chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy. Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan (có gang có thép) hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.

Lúc thằng bạn học của mình lên chức chủ tịch phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là nói ít thôi. Cô giáo già đó không biết đọc sách nào mà bảo quan hay nói thì dân vất vả. Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ… Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời. Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.

Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “định móc túi hả mậy ?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn. Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời, “ba người nhà tôi cộng lại ăn không bằng một mình chú…”. Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm. Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay. Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.

Mấy bữa ngồi bệnh viện nghe dì ở giường bên kể chuyện, vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau đành chịu ở vậy đến giờ. Hôm bà ghénhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm. Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói không mua vé số đâu. Bà nói tui là Thắm đây mà, ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi Thắm nào, tôi quen nhiều Thắm lắm. Chỉ vậy thôi mà bà thấy đau quá.

Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời. Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp. Những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào. Ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng. Một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…

Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác. Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời. Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.

Nguyễn Ngọc Tư

Nov 15, 2011

Khoảng trống sau lưng

Câu chuyện anh kể em nghe giữa một đêm mưa rất dày
“Nỗi nhớ hình thành là để lấp đầy những khoảng trống sau lưng …”

Một ngày mưa xa xôi, lang thang qua những miền kí ức mông mênh bỗng thấy mình chông chênh, buốt lạnh, và trong tiếng gió ào ạt phía sau, ta chợt thèm da diết cái tựa vai nhẹ nhàng cùng hơi thở đều đều, ấm áp của người con gái len lỏi qua gấu áo mỏng. Đó là khi nỗi nhớ được gọi về, để khỏa lấp những khoảng trống sau lưng.

Cuộc đời là những chuyến hành trình bất tận. Ở mỗi nơi đi qua, dù vô tình hay hữu ý, ta đều để lại đấy một phần hồn rất nhỏ, từ ánh mắt, nụ cười, hay chỉ cái chạm nhẹ của vạt áo “người dưng”. Em biết không, từ những phần hồn nhỏ nhặt thế đó, mà em gieo rắc mầm Nỗi Nhớ vào mọi nơi mình đến được, và em để lại cho bản thân những khoảng trống dài, khi một lần nào đấy bỗng giật mình quay nhìn lại phía sau. Rồi như hiển nhiên, em sẽ quay quắt đi tìm lại thứ mình tưởng đã đánh mất, ở mọi miền ký ức cũ, nhưng cái em nhặt được, cũng chỉ là những Nỗi Nhớ đã sinh sôi. Và Nỗi Nhớ ấy mà, chúng có sức sinh tồn bền bỉ lắm, đến chừng nào có ai đó gỡ em ra khỏi những mắt rễ vô hình đó, và sẵn sàng dùng phần hồn của mình để bù dắp cho những trống trải trong em.

Mỗi con người đều có khoảng trống cho riêng mình, và chính là ta đã nuôi sống chúng từng ngày. Sẽ có những lúc khoảng trống được lấp đầy bởi những yêu thương, những ánh mắt, những nụ cười. Nhưng nếu ta mặc định tất cả điều ấy là mãi mãi, đến nỗi vô tình thờ ơ chỉ trong một phút giây nào đó, chúng sẽ lần lượt ra đi, và những khoảng trống sẽ lại khát khao những niềm hạnh phúc mới, giống như cái cách em để cho mình quen với hạnh phúc đến mức bị “nghiện” và sợ cảm giác đánh mất nó. Nhưng ta đâu thể tự lấp đầy Nỗi Nhớ của mình. Những khoảng trống chỉ có thể được khỏa lấp bởi một tâm hồn khác. Ta chẳng thể làm gì cho bản thân ngoài việc rót yêu thương vào những khoảng trống của một người nào đó và hy vọng rằng nếu may mắn, người sẽ cho ta lại những yêu thương. Nên em ơi, trước khi muốn mình hạnh phúc, ta phải học cách cho đi…

Cũng có những khoảng trống chẳng bao giờ phủ kín được. Đấy là nơi ta trân giữ và nâng niu Nỗi Nhớ. Và nó thường ở góc sâu khuất nhất trong tim, sâu đến nỗi chính ta nhiều khi cũng không biết rằng nó có tồn tại. Chỉ cho đến một ngày nào đấy, đi qua miền kí ức chẳng thể gọi tên, nó chợt sống dậy và thả rơi vài nỗi buồn mong manh. Những ngày như vậy, con người thường phải cố giấu đi mấy giọt nước mắt bâng quơ. Người ta chợt nhận ra mình vẫn còn một khoảng trống…

Mà con người có vẻ để lại nhiều khoảng trống sau lưng nhất, là khi thôi sóng đôi cùng một cuộc tình. Em hãy tưởng tượng nhé, cũng con đường ấy với những vết nứt ta đi mãi đến thuộc nằm lòng, vẫn hàng cây ấy với những trái chò rơi theo cùng quỹ đạo, nhưng thay vì cái cảm giác hạnh phúc và ấm áp khi nắm tay người mình yêu, giờ đây chỉ còn lại một bóng dáng cô độc, liêu xiêu khi ráng chiều vừa ngả. Thay vì những cái nhìn đầy thấu hiểu và cảm thông, thay vì cái cảm giác chỉ cần quay người lại ta đã có ai đó phía sau để bảo bọc, chở che thì giờ đây, còn lại chỉ là một khoảng không trống rỗng. Thoảng hoặc, ta thấy ánh mắt mình chới với như đang rơi xuống một vực thẳm nào đó sâu rất sâu, mà không thể đưa tay nắm lấy dù chỉ một cành cây hay ghềnh đá. Và cứ thế mà ta trôi tuột đi vào khoảng không mộng mị xa xăm…

Thế nên, đã bao giờ em tiếc những phần nhớ để lại phía sau?

Những khoảng trống khiến người ta cảm thấy mình cô độc. Không hẳn cứ phải chạy ra một hòn đảo nào đó xa tít tắp, không một bóng người mới cảm nhận được khoảng trống xung quanh mình. Đôi khi, đi ngay giữa một con đường tấp nập trong trung tâm thành phố mà khoảng trống vẫn cứ ứ đầy. Nhiều lúc ngó quanh chỉ mong tìm được một ánh mắt, một cái gật đầu nhưng tất cả ta nhận lại được chỉ là những gương mặt lạnh lùng, những cái xô đẩy, chen lấn để bươn về phía trước. Khi ấy, tôi lại cảm thấy mình lọt thỏm, giữa dòng người. Quay về phía sau để tìm một nụ cười đồng cảm của ngày xưa, nhưng yên xe trống hoắc. Em đã không ở đó nữa, chỉ còn lại khoảng trống sau lưng. Và một cái ngoái nhìn lặng lẽ…

Rồi thì, khoảnh khắc khoảng trống hình thành là lúc con người cảm thấy nhau rõ ràng nhất…

Khi quay lưng bước đi, em có thấy trống trải không, sao bước chân lại nhẹ và liêu xiêu thế? Khi khoảng cách ngày một xa, có bao giờ em muốn quay người nhìn lại, hay vì khoảng trống sau lưng quá lớn khiến em chông chênh, khiến em sợ lại bị kéo về như cái cách người ta rút chân không túi đồ hộp, rồi em sợ mình lại bị cuốn đi, hết từ miền say đắm này sang miền đắm say khác?

Chỉ mình em hiểu, nên thôi, hãy cứ yên lặng đi em nhé, bởi em cũng đâu biết được có bao nhiêu khoảng trống đeo đẳng ở yên sau xe tôi trên đường về.

Em đã từng hỏi tôi.

“Con người ta sao cứ phải tìm thấy nhau? Sao người ta vẫn lao đầu vào tìm kiếm một tình yêu dù trái tim đã chi chít những vết sẹo sau những cuộc tình?”

Em ạ,

Người ta tìm thấy nhau

là để cùng sưởi ấm qua những giá lạnh, chông chênh còn lại…

… ở sau lưng”

Hòa Lan – Phong Linh

Nov 7, 2011

Niềm tin

Ở làng quê nọ, trời đã hạn hán trong khoảng thời gian rất lâu. Các cánh đồng đều khô hạn, cỏ cây héo úa cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Hàng tháng đã trôi qua và mọi người dường như đã mất hết kiên nhẫn. Nhiều gia đình đã rời khỏi làng, còn những gia đình khác chỉ còn biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Cuối cùng ông trưởng làng quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện tập thể trên ngọn đồi cao nhất vùng. Ông thuyết phục tất cả mọi người trong làng đến dự và mỗi người phải mang theo một vật thể hiện lòng tin của mình.

Chiều thứ bảy, những người dân làng với vẻ mặt mệt mỏi tập trung trên ngọn đồi và đều không quên mang theo những đồ vật thể hiện lòng tin. Có người mang theo một cái móng ngựa may mắn, có người mang theo chiếc mũ bảo vật của gia đình… Mặc dù chẳng ai tin chúng có thể thay đổi điều gì nhưng họ cũng đã mang theo rất nhiều thứ quý giá. Tất cả những người tham dự bắt đầu cầu nguyện và giơ cao những vật tượng trưng cho niềm tin. Như thể có phép màu, mây đen kéo tới và trời đổ mưa – những giọt mưa đầu tiên sau bao tháng trời khô hạn. Mọi người đề hân hoan vui sướng và ngay lập tức nổ ra một cuộc tranh cãi xem đồ vật nào đã mang lại may mắn cho ngôi làng. Ai cũng cho rằng đồ vật của mình là linh thiêng nhất. Bỗng người ta nghe thấy tiếng một em bé gái reo lên:

- Con đã biết thế nào trời cũng đổ mưa mà. Mẹ thấy không, con mang theo chiếc ô này, bây giờ thì mẹ con mình về nhà mà không bị ướt!

Em bé giơ cao chiếc ô và cùng mẹ đi về nhà trong niềm hân hoan. Những người còn lại nhìn theo và hiểu rằng chính em bé mới là người có niềm tin lớn nhất. Niềm tin ấy đã mang mưa đến.

(sưu tầm)

Nov 5, 2011

Một trái tim khô

Năm Hậu ba mươi chín tuổi, Hậu gặp một chuyện ly kỳ, chạng vạng trên đường về nhà, qua cua Bún Bò, Hậu bị đâm.

Thằng cha này giết người mà nhát hít, nhắm mắt đâm hai nhát nhưng chỉ ngoáy trúng bả vai. Thấy Hậu đổ gục, người này còn sám hối một câu, xong quăng dao xuống mương cống chạy mất. Sau câu nói ấy Hậu mới thấy mình chết ngắc.

Vết thương lành nhưng Hậu mắc chứng trầm uất, hoang tưởng, rối loạn tâm thần. Hẳn cái cú sốc chết đi sống lại ấy khủng khiếp lắm. Hậu đã khóc suốt tháng đầu nằm viện, uống thuốc vào thì ngủ thiếp, thức dậy đã thấy nước mắt chảy thành hàng (như thể Hậu đã khóc sẵn trong mơ). Tháng thứ hai Hậu vật vờ, nín thinh nín thít, nằm không muốn dậy (mà đã dậy thì chẳng muốn nằm), đang ăn rớt đũa Hậu thà lấy tay bốc chứ không thèm lượm lên. Rồi bỗng một ngày Hậu tỉnh queo, xin bác sĩ cho xuống bếp bệnh viện nấu cháo từ thiện với chị em, “Chớ rảnh quá biết làm gì bây giờ”. Giỏi giắn, tươi tắn, đến nỗi không ai tin Hậu còn bệnh (bác sĩ nhiều khi còn không dám tin), nhưng mãi Hậu vẫn không nhận ra chồng. Thường nhiều lần lại thăm, Hậu ngó lơ, Thường nắm tay, Hậu quạu quọ, mặt nhăn như khỉ ăn gừng, bảo, tui có chồng rồi nghen, cha nội. Chồng tui tử tế đàng hoàng chứ đâu có cà chớn như ông. Thường buồn quá, tha thểu ra về.

Hôm mới giải phẫu xong, cảnh đời mới buồn ác liệt. Khi tỉnh dậy, Hậu chỉ biết tê tái hỏi một câu, “Sao anh đành đoạn giết em?” (trời đất ơi, chắc là hết chuyện nói rồi). Ba đêm Thường thức trắng, con mắt trỏm lơ, người căng như sợi dây đàn, lặng người theo mỗi tiếng Hậu rên, hớt hải khi Hậu trở mình, nhưng đến khi Hậu hỏi câu ấy, Thường mới quỵ xuống, rối rít gọi em ơi, em à, em sao vậy, thấy đau ở chỗ nào. Anh đây mà, chồng em đây, không nhận ra anh sao…

Hậu chỉ nhếch một nụ cười tê dại, thấy mình quên thật rồi, điên thật rồi. Cái người đàn ông đang đứng trước mặt mình đây, là chồng, vậy mà bây giờ nhìn mặt thấy xa lạ, ghê tởm, thấy mình nẫu lòng ra, muốn chết quách đi cho rồi. May, sau này Thường không đến nữa, vì bận túi bụi thay Hậu tiếp nhận chức Tổng giám đốc công ty Mặt Trời, nghiễm nhiên là Chủ tịch Hiệp hội đồ chơi (những gì Hậu để lại nặng nề hết sức). Thường than với nhỏ Thỏ, “Gặp mẹ con lòng ba đau quá”. Mà, không đau sao được, kỷ niệm tươi rói như mới hôm qua, hai người cùng nhau nấu bữa cơm chiều, cùng nhau sơn lại đôi cánh cửa, sửa hàng rào, cụm nụm trồng hành quanh chậu ớt. Buổi sớm chung xe đến công ty, vào đấy thì mỗi người một phòng nhưng ngang qua lần nào cũng búng vô cửa kính chóc chóc, để ngẩng lên ngó nhau cười. Hậu đi kiểm tra công việc ở chi nhánh miền Tây, Thường gọi điện thoại theo, ngập ngừng hỏi chỗ ấy mưa nhiều không?

Lúc đó, Hậu đang căng thẳng vì phát hiện ra một vụ bê bối tài chính động trời nên trả lời nhát gừng, lạnh ngắt. Phải biết đấy là cuộc trò chuyện cuối cùng, thể nào Hậu cũng nói thêm vài câu em nhớ anh em yêu anh lắm, thể nào cũng nhắc chuyện tình xưa xanh mướt màu rau muống luộc chấm tương kho, chuyện Thường đạp xe chở Hậu đi dưới pháo hoa những giao thừa… Mối tình đẹp nhưng cũng nhiều trắc trở, mấy bận Thường tránh đi vì dư luận đồn đãi Thường lợi dụng con gái nhà giàu, là mấy lần Hậu tất tả giữ người yêu lại, ” Người ta nói gì kệ họ, em tin anh”.

Vậy mà bây giờ lạnh lẽo, tan hoang như đồng sau bão, đến nỗi hay tin Thường lấy vợ, Hậu dửng dừng dưng, tỉnh bơ ba khía. Lòng chỉ se đau khi thấy nhỏ Thỏ mặt xìu co, tủi buồn ngồi thút thít, nó chờ Hậu khóc quá trời, chỉ có nước mắt rơi là hy vọng một trí nhớ, mộttình yêu, một mái ấm về lại… Hậu biết nó nghĩ gì nên ôm lấy đôi vai nhỏ, bảo “Chừng con lấy chồng, mẹ khóc cho con coi “. Thỏ mếu máo cười, ai mà thèm… Rồi mẹ với con nhìn buổi sáng đã lên cao, nghe mùi gió chướng ngọt ngào, thấy chỗ u ám như bệnh viện mà trời xanh, trời đẹp như vầy, chắc ở ngoài kia nắng nhuộm đời tươi rực rỡ. Hậu bảo con, sẵn bữa nay mẹ xuất viện cho rồi. Thỏ phì cười.

Tưởng nói chơi, nhưng Hậu ra viện cũng đơn giản như trả phòng khách sạn. Đã mướn sẵn một căn nhà nhỏ như hộp diêm quẹt nằm trong con đường cũng nhỏ, Hậu dọn ngay vào đó. Hàng xóm gầy gò ra xe đỡ ít đồ đạc còm nhom. Buổi chiều, Thỏ chở sách vở, quần áo, búp bê… lại, kêu Hậu ngồi nó chải tóc cho, bảo thiếu con mẹ bê bối cho coi. Mà, mẹ ơi, con nghỉ chơi với ba rồi…

Hậu trở lại bệnh viện, xin việc. Người ta dành cho Hậu một chỗ làm ở khoa ngoại thần kinh. Công việc đơn giản chỉ quét dọn và săn sóc bệnh, nhưng những người trước bỏ việc vì sợ. Hậu thì thấy chỗ này dễ thương. Đi qua căn phòng cũ, nắng vẫn chênh vênh đeo ngoài cửa sổ, nghĩ tức cười, sao mình có thể ở đây từng ấy tháng trời vậy cà. Để kết bạn với đám người buồn cười, một cậu nhóc múa may vèo vèo, kêu Chỉ Nhược nàng ui, nhoẻn miệng cười khi Hậu gọi lại bằng Vô Kỵ. Một phụ nữ trạc ba mươi, chín năm trời giắt hoa lá trên đầu thi hoa hậu, rớt ngay phần ứng xử : Trước hết, em xin cảm ơn các đấng sinh thành, sau đó cảm tạ cha mẹ đã đẻ ra em… Một anh chàng làm thơ không hiểu nổi, nhiều lúc giảng thơ cho Hoa Hậu nghe, tự mình ngất ngư cười, câu này tui hổng biết viết về cái gì. Một ông đẹp người, hiền hậu, lên cơn thương nhớ vợ mới xé áo quần. Có lần ông lẻn ra ngoài, trèo lên lan can tầng bốn ngó xuống sân gọi vợ hời hời, Hậu dịu dàng kêu: “Xuống đây với em, mình ơi”, ông trở xuống, ở truồng tồng ngồng, ôm Hậu vào lòng, ông khóc. Hậu cũng khóc, trong vòng tay ấm mà nghe mình lạnh ngắt, khóc cho một trái tim đã chết ngoẻo cù nèo.

Chết ngay ở cua Bún Bò, ngay sau khi thằng cha giết mướn run rẩy bảo, “Đừng oán tôi nghen, có oán hận thì oán chồng bà”. Trong một thoáng Hậu xâu chuỗi các sự kiện lại. Chồng mình. Khoản tiền thất thoát. Cô kế toán trưởng chi nhánh miền Tây. Những lời đồn đại (mà trước giờ Hậu chẳng tin)… Hậu nghe tim mình vỡ bục ra, giãy đành đạch rồi nín luôn. Sau coi phim thấy cảnh hiếp đáp éo le cũng không thương khóc nữa (hoàn cảnh ấy thì sức mấy mà đau bằng mình). Có lần đi chợ gặp Thường, Hậu ung dung chào, hỏi. Xong đứng nấn ná ở đấy trông tim nó lồm cồm ngồi dậy nhói chơi, nhưng không ăn thua, nó lặng như tờ.

Trái tim đã mắc chứng vậy nên tội mấy ông đi qua đi lại tán tỉnh tòm tem, nói thương em quá chừng. Hậu cười, thương thiệt hông à, lúc trước tui bị điên đó nghen. Ai nghe nói cũng sửng sốt, chạy dài, dù có tiếc hùi hụi, chắc lưỡi, than, “Đẹp vậy mà điên, uổng thiệt”. Nhưng tưởng tượng thử coi, hai người đang ngủ bỗng dưng vợ bật dậy lấy dao kề cổ ta, cười khà khà khà, quá ớn.

Chỉ Nhâm còn lại, Nhâm cười, ai cũng một thời điên, vì quá sung sướng, quá khổ đau, vì danh vọng… Nói tới đây, Nhâm thảng thốt cúi đầu, tôi đã có lần điên vì tiền, lúc đó, con gái tôi đau nặng lắm… Hậu gật đầu miệng ờ ờ (như đã chứng kiến cảnh ấy rồi, đã biết tỏng rồi), nhưng chưa thôi dọa thêm, “Nhâm không sợ thiệt sao? Tôi điên là quên chồng tuốt luốt”. Nhâm cười, “Tôi sẽ làm cho cô Hậu nhớ tôi hoài”. Mà có vẻ như Nhâm chẳng làm gì thì Hậu cũng nhớ, cũng hay nghiêng ngó người ta. Nhâm ở kế bên, hai nhà chung vách, mới đầu Hậu không thấy mặt, chỉ nghe tiếng cơm sôi, tiếng đập muỗi. Và những cái thở dài xao xác như lá rụng hoa rơi. Thằng cha nào mà coi bộ đời cũng buồn, Hậu nghĩ, đến nỗi không nghe tiếng con nít cười, tiếng đàn bà càu nhàu chạy gạo. Một bữa Hậu mở cửa ra, đá nhằm Nhâm nhậu say nằm ngủ đại dưới thềm. Kỳ cục thiệt, không hiểu sao Hậu thảng thốt, nghe tim nhót lên một cái, chết cha, mình với thằng cha này có duyên gì mà gặp ở đây.

Nhâm thì tin là có duyên phận, bởi nhìn Hậu, Nhâm thấy thương như gặp ở kiếp nào, hồi nào… Mỗi chiều về, thấy mẹ con Hậu ngồi trước cửa nhổ tóc sâu, Nhâm thấy lòng êm đềm như cỏ. Cứ muốn ngồi gần đấy cho đủ một chòm hạnh phúc, để bình yên nhả khói thuốc lên trời. Nhâm thương cả nhỏ Thỏ, một lần nó bước qua khi Nhâm mới vừa ngủ dậy, thảng thốt, bàng hoàng, Nhâm kêu lên hai tiếng con ơi. Để rồi bẽ bàng nhìn nhỏ Thỏ cười.

Nụ cười đó, con gái Nhâm không bao giờ có. Thương Nhâm, nó chỉ thiu thỉu gượng nhếch môi mỗi khi chuẩn bị vào phẫu thuật. Rồi tới một ngày nó thôi không cười được nữa, dù là một cái cười thiêm thiếp, xanh leo lét, như mộng mị, chiêm bao…

Nó đi rồi, Nhâm nhậu suốt tháng sau, định là sẽ nhậu hết nửa đời còn lại. Đỡ hết biết, một ngày kia mẹ con Hậu đến, chui vào cái hộp kế bên, cười giòn, họ còn kéo ra sàn nước, chỗ tắm giặt chung, con xối nước cho mẹ gội đầu. Hình ảnh ngọt ngào vô phương.

Nhâm phụ hồ ngoài công trường, mong ngày qua mau, chạy về nhà, có khi chỉ để coi Hậu ngồi giặt áo. Nhỏ Thỏ cười, kéo Hậu lại thông báo tin… buồn, ông đó mê mẹ quá trời. Ờ, mà ổng coi bộ hiền hén, tại đời cũng buồn quá. Hậu gật gù. Đẹp trai. Mũi cao. Nhưng để râu tóc quá dài, dọn lên sẽ đỡ hì hợm. Hơi bê bối, Thỏ nói, bằng chứng là bạ đâu ngủ đó. Con người có vẻ phức tạp, vì chơi với mấy người cũng có vẻ… phức tạp. Cái thẹo dưới cằm quá ấn tượng, gặp một lần chắc là khó quên, Hậu nói với vẻ như đã biết rành, nhưng cái tâm lương thiện. Con thấy sao? Mẹ thấy sao? Hai mẹ con bình luận như đang đứng trước máy giặt sắp mua về.

Sau đó là một mùa mưa dài, chuyện của Nhâm với Hậu không có biến động gì lớn. Cũng đi qua đi lại, cũng bịn rịn trong lòng, cũng giả đò kiếm chuyện nói chơi, nhưng thay vì trong bối cảnh nắng ngột cả người bây giờ hai người nhìn mưa rơi. Nhìn nước bò lên ngập đám cỏ đằng trước, mấy con cá nhỏ đủng đỉnh lội tới lội lui, thò lỏ nhướng con mắt coi lũ người ta chẳng ra gì. Nước tràn vô nhà ngập nửa ống chân, bèo hoa dâu trôi bồng bềnh chân giường, đi làm về Nhâm qua nhà, hì hụi tát. Bữa sau nước lại chảy vào, không thấy Nhâm than, biểu Hậu cứ ngồi trên giường, bôi thuốc lên mấy chỗ nước ăn. Có đám trẻ lội bủm xủm đi qua hát rằng “Ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách, anh… khoét tường… hú hí với em”. Hậu lắc đầu, “Con nít nhà ai mới tí tuổi đầu mà quỷ quái”, Nhâm cười, sẵn nói luôn, “Tôi tháo vách thiệt à, cô Hậu”.

Câu này, Hậu coi như là lời tỏ tình, thì đã là lần thứ năm. Tính luôn một bữa đòi góp gạo nấu cơm, một bữa đòi trả tiếp tiền nhà, một bữa nhỏ Thỏ bị đứt chân mà mắc cỡ không cho Nhâm cõng, Nhâm gắt, thì cháu cứ coi tôi như cha, một bữa gió buồn thiệt buồn, Nhâm nói phải chúng ta ở chung nhà chắc là vui lắm…

Vui gì, chuyện tình này chắc bỏ lửng lơ như vậy thôi. Hậu vẫn nói cái câu, “Nhâm đâu có hiểu nhiều về tôi…” để thay lời từ chối. Bởi Hậu gật đầu, hẳn nhiên hai người sẽ lấy nhau. Sau bữa tiệc nho nhỏ sẽ là đêm động phòng (chớ còn gì nữa), Nhâm sẽ phát hiện Hậu có một cái thẹo lớn trên vai. Thể nào Nhâm cũng hỏi tại sao, mà Hậu không nghĩ ra được câu chuyện gì để nói. Kể sự thật rằng một bữa đi qua cua Bún Bò, Hậu bị đâm, sợ Nhâm sẽ đau. Tuần trăng mật chưa bắt đầu đã lịm buồn, dở cười dở mếu…

Nhiều khi không thể tin được, làm gì có chuyện trùng hợp lạ lùng vầy. Nghĩ đời thiệt mắc cười, sao biết nhau ở đây, để thương nhau đến mức này, để rồi nhận ra lúc trước đã gặp gỡ một lần, ở cua Bún Bò, trong một tối đèn thì u ám vàng vọt mà cái vệt sắc lạnh của con dao lại lóe lên…

Nguyễn Ngọc Tư


Nov 4, 2011

Chỉ cần buông tay

Có nhiều cách để bắt đầu một mối tình, nhưng chỉ có một cách để kết thúc mối tình ấy: Chia tay.

Có nhiều cách để tỏ tình, nhưng cũng chỉ có một cách để bỏ tình: Nói lời chia tay.

Người ta bảo, trong tình yêu, chỉ cần một cái buông tay thôi cũng có thể để người kia rời xa mình mãi mãi …

Tôi hay ngắm nghía những cặp tình nhân đi qua mình. Nhìn cách họ nói cười, âu yếm hay nhìn vào mẳt nhau. Nhìn cách những người con gái nép vào người yêu như thể đó là cả thế giới của họ. Nhìn những người con trai vòng tay ôm lấy vai người con gái như thể điều đó sẽ đủ để chở che và giữ họ suốt đời. Thế gian có bao cặp tình nhân, có bao nhiêu những câu chuyện tình, nhưng cách người đàn ông và người đàn bà của nhau nhìn vào mắt nhau, nắm lấy tay nhau hay nép vào nhau có lẽ chỉ có một. Và cách người ta rời vòng tay ấm áp của nhau mà đi cũng chỉ có một. Đó là khi, một hoặc cả hai người yêu nhau cảm thấy không còn có thể nghĩ và sống bằng trái tim của người còn lại nữa. Dù còn yêu hay không, họ đã không còn là của nhau…

Ừ thì hai người chia tay nhau, câu chuyện tình yêu nào chẳng vậy. Người ta vẫn chia tay nhau đầy đấy thôi. Nhiều khi chẳng phải vì không còn yêu nhau nữa. Cũng chẳng phải vì cuộc tình ấy ngắn ngủi, sớm lụi tàn. “Cuộc tình dài rộng quá đôi khi lại rất buồn”. Nhiều khi, tình yêu quá lớn cũng khiến sóng vỡ tan, và người ta đánh mất nhau. Người ta rời nhau có khi chỉ vì một lần lỗi hẹn, một cái nắm tay không chặt, hay một nỗi vô tâm khiến người kia hụt hẫng. Yêu nhau là trời biển, nhưng một cái buông tay cũng có thể mãi mãi rời xa …

Việc chứng kiến những cuộc chia tay luôn khiến lòng tôi xao xác. Như một ngày mưa phùn, đứng nhìn mãi con đường trong mưa với những dáng người vội vã. Như một sáng chủ nhật thức dậy và không biết hôm nay mình sẽ làm gì. Như một giấc mơ dang dở. Như một bản nhạc toàn nốt trầm, một bài thơ mà những câu từ hạnh phúc dường như đã trốn chạy vào đâu đó, để lại những khoảng không hụt hẫng, và dư vị tiếc nuối khôn nguôi.

Tình yêu vốn dĩ là một khái niệm bất định với con người. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu nổi vì sao có thể sẵn sàng dành cả cuộc đời mình cho một người, chẳng thể nào hiểu được, tại sao mình lại yêu người đó đến thế. Và bạn cũng chẳng bao giờ có thể hiểu vì sao, chỉ cần một cái buông tay thôi, cũng có thể để cho người kia mãi mãi rời xa …

(sưu tầm)

Nov 3, 2011

Ngẫm về đôi tay

Khi nhìn vào đôi bàn tay, tôi chợt tự hỏi rằng trong cuộc đời mình có bao nhiêu bàn tay đã nắm lấy tay tôi, trong những lần bắt tay chào hỏi, trong những trò chơi sinh hoạt, hay những buổi đi công tác xã hội ở những trung tâm trẻ mồ côi? Nhiều, tôi không nhớ hết! Nhưng điều tôi nhớ rất rõ đó là những bàn tay vô hình, của cha, của mẹ tôi, của anh chị em tôi, và của cả người tôi yêu mến nhất. Để có những giây phút đứng vững và tự tin trong cuộc sống này, tôi đã nhờ đến những bàn tay vô hình mà gần gũi đó. Vô hình, bởi vì những người thân yêu trong cuộc đời tôi là những người dân quê mùa chất phác. Văn hóa làng quê khiến một cái nắm tay, một vòng tay ôm áp vỗ về của những người trong gia đình trở nên sự ngại ngùng. Gần gũi, không phải đến từ việc tay nằm trong tay, nhưng từ sự quan tâm chân thành mọi người dành cho nhau.

Tôi biết ơn cả những cái nắm tay hờ hững, vờ như xa lạ nhưng lại cần thiết để tôi đối diện với chính mình. Tôi không thể đòi hỏi nơi người khác điều mà chính họ nghĩ rằng không giúp ích cho tôi. Từ chối cũng là một cách yêu, có khi còn hơn là một lời chấp nhận miễn cưỡng.

Nhìn vào bàn tay để thấy cõi lòng mình còn lạnh nhạt và ơ hờ với biết bao người gần gũi thân quen. Bàn tay đóng lại với cái ngửa tay của một người ăn xin khốn khổ. Bàn tay thu lại trước một người đang rất cô đơn và tuyệt vọng, khi mà chỉ còn một vòng tay ôm, một lời an ủi là cũng đủ cho họ thêm niềm tin vào cuộc sống, vào con người, vào chính bản thân mình. Và thậm chí tệ hơn, bàn tay đã “ném đá giấu tay”, cảm thấy mình thật hèn nhát, dám làm nhưng không dám gánh trách nhiệm. Quả thật, khi con tim đóng lại thì bàn tay khó có thể mở ra để cho đi hay nhận lấy.

Người ta nói rằng một bàn tay chắp lại cầu nguyện thì tốt nhưng càng tốt hơn nếu mở ra để cho đi. Có khi tôi tự hỏi tại sao con người lại có hai bàn tay, mà không phải một, hoặc ba? Và tôi đi tìm lời lý giải cho riêng mình. Hai bàn tay, phải chăng một để cho đi và một để đón nhận? Đôi khi bàn tay cho cũng là bàn tay để nhận và tay nhận lại cũng là tay để cho đi. Trời sinh ra hai bàn tay vốn thế, nhưng điều quan trọng là tôi đã sử dụng đôi tay mình cho đúng với điều đáng ra nó phải thế hay không, là để cho và để nhận? Như vậy, phải chăng sự què quặt của đôi tay không phải là do một khuyết điểm thể chất nào đó cho bằng hoặc nó bị chai cứng do chỉ toàn nhận lấy, hoặc trở nên rã rời do mãi cho đi? Nhưng có thể nào ai đó chỉ biết cho đi những giá trị thực sự khi chẳng bao giờ đón nhận giá trị từ người khác? Tôi nghi ngờ điều đó, vì cuộc sống con người tất yếu phải là sự hỗ tương, là sống để cho và để nhận.

Một bàn tay đẹp và hoàn hảo là một bàn tay biết mở ra và nắm giữ đúng lúc. Và nếu để ý quan sát hai người nắm tay nhau, đặc biệt hai người đang yêu nhau, bạn sẽ thấy mười ngón tay hòa vào nhau thật vừa khớp! Bạn sẽ không thể nào nắm lấy tay một người khác nếu trước đó bạn đã không mở bàn tay mình ra. Và bàn tay bạn sẽ chơ vơ nếu không cùng nắm lấy tay của một ai đó đang yêu thương bạn.

Cuộc sống có những khoảnh khắc trầm lắng để suy ngẫm về bản thân là một cuộc sống đậm đặc sự hiện hữu, và do đó có đầy lý do để chọn sống. Điều làm cho một người cảm thấy đời sống mình vô giá trị có khi chỉ vì không nhìn thấy những giá trị lớn lao đang tiềm ẩn và thể hiện nơi những điều rất nhỏ bé, nơi chính mình và trong cuộc sống những người chung quanh.

Giờ đây, khi đã trưởng thành và tung cánh giữa cuộc đời, đã gặp gỡ và quen biết bao nhiều người với những lần bắt tay chào hỏi xã giao, tôi vẫn không làm sao quên được những bàn tay vô hình mà gần gũi của cha mẹ và những người thân thiết. Xin cảm ơn những bàn tay đã mở ra để cho cho tôi bài học về lòng quảng đại, sự hy sinh quên mình và bàn tay đã sẵn sàng nắm lại để giữ tôi khỏi té ngã mỗi khi giông bão ùa về.

Thanh Minh

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes