Suy nghĩ về cách viết báo của Người Kitô hữu
Có nhiều sự kiện mang tính thời sự nóng hổi đang xảy ra quanh chúng ta, nhưng cứ nghĩ đến việc làm của một người phóng viên (trở thành anh hùng trong mắt người dân Trung Quốc vì đã cảnh báo sữa có melamine, bằng một bài viết) làm tôi suy tư đến việc trân trọng sự thật và giá trị lương tâm của con người đối với những người viết báo, đặc biệt là người Kitô hữu.
Viết báo là một công việc có nhiều nguy cơ vì phải đối diện với chính mình và với sự thật.
Đối diện với chính mình vì, đứng trước một sự việc xảy ra, mỗi người phóng viên có một cách nhận định khác nhau: cùng một biến cố, người tô đậm sự việc này, làm mờ nhạt sự việc kia; có người thu thập tin rồi suy diễn theo quan điểm và ý thích của mình; có phóng viên lại thông tin theo kiểu có lợi cho người này mà vô thưởng vô phạt với người kia…đó chính là lý do mà người viết báo phải có một trục đứng chân lý, làm điểm tựa cho hướng viết của mình.
Phải đối diện với sự thật vì sự thật là một thực tại hiển nhiên, qui hướng được mọi người vào một điểm chung, có sức thuyết phục. Nếu người viết bị quá nhiều áp lực trên tâm lý như bối cảnh xã hội đang sống, định kiến của dư luận, sức mạnh quyền hành của đối tượng mình đang viết đến, hướng đi của tờ báo…thì sự thật được diễn tả không tròn trịa như tự nó đã có.
Tôi nghĩ, phóng viên Giản Quang Châu và ban biên tập báo Đông Phương Buổi Sáng đã có sự dũng cảm, khi trong bài viết của mình, dám nêu đích danh một tập đoàn có thế lực khi phát hiện sự việc (sữa có melamine). Không phải phóng viên nào, ban biên tập nào cũng có thể can đảm như thế vì việc làm này có liên quan đến sự sống còn của tờ báo, liên quan trực tiếp đến cơm áo gạo tiền của người viết. Có người Công Giáo nào dám viết về sự thật để rồi bị loại trừ hay bị hệ lụy trong cuộc sống đời thường của mình hay không?
Người phóng viên và ban biên tập của tờ báo đó đã biết trân trọng sự thật. Có những sự thật mà người ta chỉ biết than thở, nói khẽ với nhau vì nếu nói trắng ra, có khi bị cả một khối định kiến đổ ập lên, đè bẹp làm cho người viết nhụt khí, bị lệch lạc suy tư. Người Kitô hữu có đủ sức mạnh niềm tin để dám viết và lên tiếng cho sự thật khi ở một thế đơn phương không?
Anh phóng viên đó đã bỏ qua ý can ngăn của mẹ mình và dứt khoát muốn trưng ra sự thật, một sự thật đã cứu lấy cả một thế hệ trẻ thơ vô tội thoát khỏi di chứng bệnh tật suốt đời. Trên một cán cân lương tâm, sự thật đã nặng hơn lời khuyên trong tình cảm huyết thống của mẹ.
Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đặt để trong lòng con người trước những sự việc ngoài sự chứng kiến và phán đoán của con người. Người Kitô hữu còn phải bước cao hơn luật của lương tâm vì có luật của Chúa nữa.
Anh phóng viên trẻ đó đã có một việc làm rất “người” bằng cây bút của mình, là giương cao giá trị lương tâm. Thực vậy, lương tâm con người có thể tha thứ cho lầm lẫn, thiếu xót hoặc thiếu hiểu biết mà không chấp nhận sự tàn nhẫn, hèn nhát, không biết loại bỏ cái xấu quá lớn, nằm trong tầm tay hay khả năng của mình, trước nguy hại của đồng loại. Người Công giáo viết báo mà bỏ quên lương tâm hay giấu mình trong sự “bình an chết” thì không thể sống tinh thần Tin Mừng được.
Dẫu sao thì người Công giáo khi viết báo cũng may mắn hơn vì có một trục chính để ý thức, để suy tư, để viết mà tỏ bày sự thật. Trục chính đó chính là Đức Giêsu Kitô.
Nhưng chưa chắc cách suy nghĩ, cách viết ôm theo trục chính là Đức Kitô mà được yên thân, vì không phải xã hội nào cũng đón nhận tinh thần Tin Mừng; và còn mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tập thể lại nhận ra chân dung của Chúa Kitô ở mức độ khác nhau, dẫu cùng một niềm tin.
Vậy, tôi có thể nghĩ, người Kitô hữu cầm bút nên hướng suy tư của mình vào một Giáo Hội hiệp nhất. Thông điệp của bài viết phải thể hiện được sự chân thật (CHÂN), phải mang âm hưởng của sự lành, sự thánh thiện (THIỆN) và phải trình bày cái đẹp (MỸ) dưới chiều kích của Tin Mừng.
Bài viết của người tin vào Chúa Kitô không phò trợ cho sự thống trị bằng bạo lực, không ve vuốt sự cao ngạo của bất cứ ai, không tung hô bất công, không ru êm để người ta ngủ quên trong hèn nhát….mà phải làm cho người đọc nhận được kết quả lao động trí óc của mình là BÌNH AN, HÒA BÌNH NHÂN ÁI, CÔNG LÝ và YÊU THƯƠNG.
“Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con để con quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.”
Thiên Ân |
0 nhận xét:
Post a Comment
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!
♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...
♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.