Search Our Blog

May 31, 2009

Lời Chúa tháng 6/2009

  • 01/06/09 THỨ HAI TUẦN 9 TN

Th. Giúttinô, tử đạo Mc 12,1-12

CÔNG TRÌNH KỲ DIỆU

"Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường … Công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta." (Mc 12,10)

Suy niệm: Hơn 100 nhà thầu đã miệt mài làm việc trong suốt 10 năm với kinh phí lên đến 3,6 tỷ đô la Mỹ để hoàn thành công trình vượt eo biển Akashi (Nhật Bản). Công trình càng lớn, thuộc tầm cỡ thế giới, thì càng phải đầu tư bao tiền của, nhân sự, và thời gian. Cũng vậy, Thiên Chúa đã chuẩn bị công trình cứu độ nhân loại với bao đầu tư công phu, được diễn tả qua Tin Mừng hôm nay. Ngài nhân từ quảng đại ban cho con người những điều kiện để sinh sống qua hình tượng vườn nho được trang bị đầy đủ (rào dậu, bồn đạp…). Ngài kiên nhẫn nhiều lần gởi các ngôn sứ đến cảnh báo con người. Cuối cùng, chính Con Một Ngài cũng bị con nguời từ khước. Thế nhưng, qua việc phục sinh, Người Con Một ấy trở thành viên đá góc, liên kết cả tòa nhà nhân loại với nhau, và đưa nhân loại đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Mời Bạn: Thiên Chúa Ba Ngôi cũng đã đầu tư bao công phu cho một công trình tuyệt vời là chính bản thân bạn. Xin bạn tận dụng mọi khả năng để "sống mà thực hiện công trình tốt đẹp" này.

Chia sẻ: Tôi làm gì để hoàn thiện bản thân là công trình tuyệt vời của Chúa?

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ: "Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta" (Ep 2,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa. Xin giúp con quảng đại hiến dâng cả đời sống để đáp lại tình thương Chúa, qua việc phục vụ Chúa và anh em cách khiêm tốn như Chúa mong muốn.

  • 02/06/09 THỨ BA TUẦN 9 TN

Th. Mácsenlinô và Phêrô, tử đạo Mc 12,13-17

ĐẠO ĐỜI PHÂN MINH

"Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (Mc 12,17)

Suy niệm: Các giám mục Hoa Kỳ chống lại chủ trương của tổng thống Obama ủng hộ phá thai, nghiên cứu tế bào gốc; đức giáo hoàng Bênêđitô tuyên bố việc sử dụng bao cao su không phải là giải pháp cho đại dịch HIV-AIDS; phải chăng các ngài đã không tuân thủ nguyên tắc "của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa"? Phải chăng các ngài đã nhân danh tôn giáo mà xen vào chuyện xã hội, chính trị? Người kitô-hữu 'sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian' thật không hề đơn giản: Thế nào là "của Xê-da" và thế nào là "của Thiên Chúa"? Vũ trụ này và mọi tài nguyên trong đó chẳng phải là của Xê-da, mà trái lại, là của Thiên Chúa. Chính tinh thần thế tục thể hiện qua lối sống hưởng thụ để thoả mãn lòng tham lam ích kỷ mới là "của Xê-da" và phải "trả về Xê-da." Trái lại, sống tình bác ái chia sẻ, làm chứng cho công bằng và sự thật để phát triển vũ trụ này tốt đẹp như ý Chúa muốn khi tạo dựng nó, chính là đem thế giới này, vốn là "của Thiên Chúa," dâng về cho Thiên Chúa.

Mời Bạn can đảm loại bỏ tinh thần thế tục ra khỏi cuộc sống của mình, dám từ chối những việc làm có khi là "siêu lợi nhuận" nhưng đi ngược với lương tâm công giáo. Bạn hãy trở thành men trong bột giữa môi trường mà bạn đang sống, thực thi công bằng và sự thật dù biết rằng điều đó "không dễ" nhưng "hoàn toàn có thể" thực hiện.

Sống Lời Chúa: Luôn sống tôn trọng công bằng và sự thật và sẵn sàng lên tiếng để làm chứng cho điều đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi phải chọn lựa để sống đạo giữa đời, xin cho con luôn tôn trọng công bằng sự thật, và chọn Ngài làm gia nghiệp đời con.

  • 03/06/09 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Th. Carôlô Loanga và các bạn, tử đạo Mc 12,18-27

MẠC KHẢI ĐỔI ĐỜI

"Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời." (Mc 12,25)

Suy niệm: Bằng những lời trên đây Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta ba thông tin thật thú vị: (1) con người sẽ sống lại; (2) không còn hôn nhân ở đời sau; (3) ta sẽ nên như thiên thần! Thú vị là vì sau cuộc sống bon chen với cơm áo gạo tiền hiện tại, ta có niềm hy vọng về cuộc sống mai hậu tốt đẹp hơn; và cuộc sống này phải được xây dựng một cách trân trọng để nhờ nó ta có thể đạt được cuộc sống mai hậu kia. Thú vị hơn nữa, tình yêu là điều quí giá nhất trong cuộc sống này sẽ không mất đi, cũng không cần đến những thể chế như hôn nhân để thể hiện, nhưng được thăng hoa và đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc trong tình yêu thuần khiết của các thiên thần.

Mời Bạn: Chén trà ngon là chén trà mà sau khi uống, bạn vẫn còn cảm nhận được một dư vị thơm ngát đậm đà. Cuộc sống này đáng sống đáng tận hưởng thật đấy, nhưng nó chỉ thực sự đáng giá khi nó dẫn đến một kết cuộc "có hậu" nghĩa là nó mở ra cho bạn một cuộc sống mới hạnh phúc tròn đầy và vô tận. Mời bạn kiểm điểm xem mình đang quyến luyến cái gì trong "những sự đời này" và bạn có gán cho chúng những giá trị quá lớn đến nỗi bạn bị cản trở không còn hăm hở tìm kiếm "những sự trên trời nữa".

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm xem cách bạn làm ăn, sử dụng của cải đang giúp bạn đạt đến Nước Trời hay ngược lại, đang cản trở.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng và vui tươi tiến bước trên con đường thánh ý Chúa, để con sống theo sự hướng dẫn đầy yêu thương và khôn ngoan của Chúa.

  • 04/06/09 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Mc 12,28b-34

ĐỨNG HÀNG ĐẦU

Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây... Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi." (Mc 12,29-30)

Suy niệm: Thông thường, việc gì ta yêu thích nhất, ta sẽ dành hết tâm huyết, khả năng, thời giờ và công của để đạt mục tiêu, bất chấp mọi thử thách trở ngại, kể cả nguy hiểm với sức khỏe và mạng sống, vì đó là việc "đứng hàng đầu," ưu tiên "một." Chúa dạy "điều đứng hàng đầu" đối với chúng ta là phải yêu mến Thiên Chúa. Đó là điều chọn lựa số một chứ không phải lời nhiệm ý để muốn chọn hay không. Một khi chấp nhận sống Lời Chúa, thì việc yêu mến Chúa luôn được Ki-tô hữu đặt vào vị trí số "một" trong mọi chọn lựa, nghĩa là trên hết mọi sự và trước hết mọi người. Vì "ai yêu mến cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa… hơn Ta, kẻ đó không đáng là môn đệ Ta."

Bạn ơi! Thiên Chúa đang ở vị trí nào trong trái tim của bạn vậy? Bạn có sẵn sàng quảng đại hy sinh, vượt qua những trở ngại để chu toàn bổn phận, hầu bày tỏ lòng yêu mến Chúa và ước mong thuộc về Chúa không?

Chia sẻ: Vì sao Chúa đòi hỏi bạn phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự? Tình yêu Ngài dành cho bạn như thế nào?

Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm Lời Chúa hôm nay với quyết tâm vì lòng yêu mến Chúa, chu toàn mọi việc bổn phận như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh hôm sớm, suy niệm Lời Chúa hằng ngày và bổn phận đối với tha nhân.

Cầu nguyện: Chúng con kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu hay thương yêu vô cùng. Xin hãy lấy lửa yêu mến trong Trái Tim Chúa mà đốt lòng chúng con cho đặng sốt sắng kính mến Chúa luôn.

  • 05/06/09 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Th. Bônifaxiô, giám mục, tử đạo Mc 12,35-37

ĐẤNG KITÔ LÀ AI?

"Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Ki-tô lại có thể là con vua ấy được?" (Mc 12,37)

Suy niệm: So với các cuộc tranh luận khác, tình thế hôm nay đã đảo ngược, các kinh sư không còn là những người đặt câu hỏi nhưng họ bị Chúa tra vấn. Vì sao vậy? Có thể nói rằng vì câu hỏi hôm nay liên quan đến một chủ đề rất đặc biệt: thân phận của chính Ngài, Đức Ki-tô, Đấng nhân danh Chúa mà đến. Cho tới nay, Chúa luôn kín đáo về tước vị Mêsia này vì những hiểu lầm trong dân chúng. Họ chờ đợi một đấng thiên sai mang màu sắc chính trị, xuất thân từ dòng tộc vua Đa-vít, đến giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Rô-ma. Dù rằng nhu cầu này rất chính đáng, nhưng Chúa rất rõ ràng: Ngài không đến để thi hành sứ mệnh này. Như vậy, không phải là Ngài làm họ thất vọng, nhưng Ngài cho biết rằng sứ mạng của Đấng Messia vượt trên tất cả những hy vọng và mong đợi của người Do Thái, rộng ra là của cả nhân loại.

Mời Bạn: Chúa luôn mời gọi chúng ta đi xa hơn trong việc liên lỉ thanh tẩy quan niệm của mình về Thiên Chúa: phải lắng nghe tiếng Chúa qua việc học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện, chứ không vẽ vời hình ảnh của Ngài theo trí tưởng tượng hoặc theo những nhu cầu, ước vọng, cho dù là chính đáng, của chúng ta.

Chia sẻ: Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vượt quá mọi suy tưởng của chúng ta, nhưng có phải vì thế mà chúng ta không cần khát khao, để lòng mong chờ sốt mến của mình ra nguội lạnh không?

Sống Lời Chúa: Tìm thời giờ đọc lại và suy niệm một đoạn Kinh Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dẫn đưa trí lòng con ra khỏi mọi biên giới để đến với Chúa, xin nuôi dưỡng lòng khao khát Chúa trong con.

  • 06/06/09 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN

Th. Norberto, giám mục Mc 12,38-44

CỦA LỄ HY SINH VÀ TÍN THÁC

"Thầy bảo thật: Bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết." (Mc 12,43)

Suy niệm: Thật khó tưởng tượng Trại tâm thần Trọng Đức (Lâm Đồng) với hơn 260 bệnh nhân lại do ba gia đình giáo dân nhà họ Trần thành lập! Nhìn thấy cảnh những người tâm thần K'Hor, Lạch, Mạ, và cả người Kinh, bị bỏ rơi giữa rừng, các gia đình này đã quyết định đưa họ về nhà, nuôi dưỡng, giúp họ cầu nguyện, và lắng nghe Lời Chúa. Không ngờ liệu pháp này giúp họ giảm cơn điên và giúp hồi sinh nhiều cuộc đời, kể cả các trường hợp y khoa đã bó tay. Tựa như bà góa trong Tin Mừng, những tông đồ giáo dân này đã dâng cho Chúa tất cả những gì mình có trong tay: tài sản, thời giờ, công sức, và trọn con tim để Chúa sử dụng. Từ sự đóng góp quảng đại này, Thiên Chúa đã làm nhiều điều kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng của con người.

Mời Bạn: Thiên Chúa không đánh giá con người theo những hiệu quả mặt nổi bên ngoài, nhưng dựa trên tấm lòng tín thác đến độ chấp nhận hy sinh. Vì thế, đừng dâng cho Chúa cách miễn cưỡng, hoặc để lấy tiếng, nhưng phát xuất do lòng yêu mến và cậy trông vào Ngài.

Chia sẻ: Tôi phải sửa đổi cung cách lượng giá về người khác và mình thế nào cho hợp với Lời Chúa hôm nay?

Sống Lời Chúa: Tập dâng cho Chúa những của lễ nào đòi hỏi sự hy sinh và lòng tín thác (như dành thời gian cho các công tác tông đồ giáo dân…).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đòi con cho Chúa tất cả, để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan, để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Amen. (theo Rabbouni)

  • 07/06/09 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN - B

Chúa Ba Ngôi Mt 28,16-20

LÀ NGƯỜI CON THẢO

"Vậy anh em hãy đi … làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (Lc 14,14)

Suy niệm: M. Shea nói rằng Chúa Ba Ngôi là một hồng ân cao quý đến nỗi con người thật bất xứng khi nhận lãnh, bất xứng đến buồn cười, bất xứng cách phi lý, và hoàn toàn hài hước. Không gì sung sướng và bất ngờ cho con người cho bằng được biết rằng Thiên Chúa không phải là vị thần uy quyền xa cách, nhưng là Cha của mình. Ngôi Hai Thiên Chúa đến ở với con người, chết cho con người, và nhận con người là bạn hữu của mình. Ngôi Ba Thiên Chúa không ở nơi cao xa, nhưng trú ngụ ngay trong tâm hồn con người, như rồng vàng tắm nước ao tù. Nhiệm vụ của Ngài thật khó khăn: hướng dẫn, soi sáng con người để họ học biết và sống với Thiên Chúa như nguời con hiếu thảo, theo mẫu gương Chúa Giêsu (A. Ferlay).

Mời Bạn: "Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu" (R. Tagore). Bạn chỉ có thể hiểu được hồng ân Thiên Chúa Ba Ngôi qua hai chữ tình yêu. Bạn và vũ trụ được sáng tạo do tình yêu chia sẻ, được nâng đỡ do tình yêu quan phòng, được mời gọi đi về và đi vào tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chia sẻ về phương cách sống hồng ân Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hằng ngày.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần làm dấu thánh giá, tôi ghi nhớ Chúa Ba Ngôi hiện diện nơi tâm hồn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con thật bất xứng khi lãnh nhận hồng ân cao quý là chính Chúa. Chúng con xin hết lòng cảm tạ. Xin giúp chúng con luôn sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa. Amen.

  • 08/06/09 THỨ HAI TUẦN 10 TN

Mt 5, 1-12

DÁM SỐNG NHƯ CHÚA DẠY

"Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3)

Suy niệm: Trong bài "Thật Hèn! Về Hưu Mới Dám Sống Thẳng," tác giả Trường Giang cho biết ông và các đồng nghiệp tự phê phán thói sống "cong cong," thiếu cao thượng trong thời còn tại chức (Trường Giang, Những Bài Viết Dư Luận Quan Tâm, Hà Nội: Nxb Lao Động, 2008, tr. 21). Ray rứt tâm hồn khi nhìn lại quá khứ không mấy hãnh diện đó như một lời sám hối, họ đã dám tự nhận mình đã sống "hèn." Chúng mình cũng dễ dàng nhận ra mình đã sống hèn hoặc đang sống hèn, đặc biệt khi suy xét trước Lời Chúa hôm nay về tinh thần nghèo khó. Đành rằng vấn đề người nghèo là vấn đề của mọi người, nhưng trên hết là của người Ki-tô hữu. Bởi nếu không can dự vào cuộc đời của người nghèo, làm sao Ki-tô hữu có thể hiểu được Thiên Chúa của cuộc Xuất Hành, Giêsu con bác thợ mộc? Thánh Phanxicô Khó Khăn đã sống như thế. Đức Phaolô VI cũng nói: "Giáo hội phải gắn kết với ơn gọi ban đầu của mình đối với nhân loại đau khổ và bần cùng." Thử hỏi, nếu không có tinh thần nghèo khó, làm sao chúng mình có thể quan tâm đến người nghèo và sống chia sẻ với họ trong tình huynh đệ? Đây là dịp chúng mình được nhắc nhở phải dám nuôi dưỡng một tâm hồn yêu thương người nghèo.

Mời Bạn: "Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó," vì họ nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi người nghèo và biết rõ Thiên Chúa hơn.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn đã sống "hèn" trước người nghèo, đối với người nghèo? Hãy chia sẻ kinh nghiệm đó.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái nhằm liên đới với người nghèo và cảm tạ Chúa cho bạn nhận ra Chúa nơi họ.

Cầu nguyện: Hát "Kinh Hòa Bình."

  • 09/06/09 THỨ BA TUẦN 10 TN

Th. Ephrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh Mt 5,13-16

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI

"Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em." (Mt 5,16)

Suy niệm: Đặt những huấn dụ về muối và ánh sáng ngay sau Các Mối Phúc trong Bài Giảng Trên Núi, Matthêu muốn khẳng định mạnh mẽ rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của người môn đệ. Muối và ánh sáng là những gì rất tác động. Bản chất của muối là mặn; và muối giúp làm mặn thứ khác. Bản chất của ánh sáng là sáng; và ánh sáng giúp soi sáng xung quanh. Điều thú vị là cả muối và ánh sáng đều rất tĩnh lặng. Chúng có thể làm việc hết công suất mà tuyệt nhiên chẳng gây chút ồn ào nào. Chúng tác động một cách bất khả kháng, song cũng rất âm thầm. Chỉ cần chúng hiện diện đúng như bản chất của mình (là mặn và sáng) và tự khắc môi trường sẽ nhiễm 'mặn' và nhiễm 'sáng' - thế thôi.

Mời Bạn: Chúa cũng đang nói với bạn và tôi hôm nay: "Chính anh em là muối và ánh sáng cho trần gian." Và sứ mạng của chúng ta không hệ tại ở những ồn ào, phô trương 'hoành tráng' cho bằng là âm thầm hiện diện đúng như bản chất Kitô hữu của mình. Vấn đề là ta có còn mặn và sáng không mà thôi.

Chia sẻ: Là Kitô hữu trong vị trí của bạn (trong gia đình, nghề nghiệp), bản chất mặn và sáng sẽ bao gồm những phẩm tính nào?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu mỗi ngày sống, mỗi công việc, bạn tự nhắc mình rằng hôm nay (hay trong công việc này) tôi phải thể hiện bản chất mình là môn đệ của Đức Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con trung thành trong sứ mạng làm muối và ánh sáng cho đời. Amen.

  • 10/06/09 THỨ TƯ TUẦN 10 TN

Mt 5,17-19

VIỆC NHỎ, GIÁ TRỊ KHÔNG NHỎ

"Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời." (Mt 5,19)

Suy niệm: Trong môn toán, chỉ cần lộn dấu cộng thành dấu trừ hay đặt dấu phẩy sai chỗ là dẫn đến kết quả sai cho cả bài toán. Trong đời sống thường nhật cũng thế, người ta vẫn nói "lỗ nhỏ làm đám thuyền." Chúa Giêsu dạy chúng ta tuân thủ lề luật dù "một chấm một phết" cũng không thể bỏ qua; không phải là Ngài chủ trương duy luật lệ, câu nệ từng tiểu tiết, nhưng bởi vì những việc lớn được dệt thành từ vô vàn việc nhỏ bé, và vì "Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn" (Lc 16,10). Người biết làm những công việc nhỏ, nhưng với một sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là người có một nhân cách lớn. Cũng thế, người biết nên thánh bằng cách chu toàn những việc bổn phận nhỏ bé chính là người lớn nhất trong Nước Trời.

Mời Bạn: Có bao giờ Bạn đã từng tự nhủ mình thế này không: "Tội nhẹ, chẳng sao cả! - Mình chỉ thử thôi mà! - Một lần thì đã sao!"? Ngược lại, có khi nào bạn khinh suất, bó qua không làm những việc lành chỉ vì chúng nhỏ bé, âm thầm, hèn mọn?

Chia sẻ: Việc "nhỏ bé" nào, hoặc người "nhỏ bé" nào trong cộng đoàn của bạn đang bị bỏ qua, quên lãng?

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận nhỏ bé hằng ngày mà bạn vẫn thường quên sót để làm một cách thật chu đáo và với ý hướng tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không ngại hạ mình nên người nhỏ nhất để chúng con được Chúa nâng lên. Xin cho con luôn biết học với Chúa để nên thánh từ những việc bổn phận nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày.

  • 11/06/09 THỨ NĂM TUẦN 10 TN

Th. Barnaba, tông đồ Mt 5,20-26

HOÀ HỢP VỚI ANH EM VÀ VỚI CHÚA

"... đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình." (Mc 5,24)

Suy niệm: Chưa khi nào Chúa Giêsu nối kết mối tương tương quan giữa Thiên Chúa với tôi và anh em cách mạnh mẽ như lần này, khi bảo tôi phải lo làm hòa với anh em trước, rồi mới dâng lễ vật lên Chúa. Chúa đặt mối tương quan với anh em (làm hòa với anh em) lên trên và trước việc dâng lễ (biểu hiện cho mối tương quan với Chúa). Tin Mừng hôm nay làm ta liên tưởng tới câu chuyện Cain và Abel. Cain vì ghen tỵ mà giết em mình khi cả hai đến dâng lễ vật. Chúa có ý nói rằng nếu ta không giao hảo được với anh em, thì đừng mong giao hảo với Chúa.

Mời Bạn kiểm điểm: Có khi nào bạn đi dâng lễ hay cầu nguyện mà trong lòng còn mang mối hận thù, ghét ghen người anh em? Bạn cầu nguyện, rước Chúa trong một tâm trạng như thế, liệu Chúa có vui lòng không?

Chia sẻ: Người ta thường lấy làm vấp phạm khi thấy những người mang tiếng ăn chơi lêu lổng, ăn mặc lố lăng, sống phóng túng bước vào nhà thờ, mà quên mất rằng nhiều người có thể bước vào nhà thờ với một tâm hồn trĩu nặng những ghen tương đố kỵ, ghét ghen thù oán. Ý thức như thế để trước khi đến với Chúa, tôi và bạn cùng rũ sạch tâm hồn và thể xác khỏi những gì bất xứng với Chúa.

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh Barnaba tông đồ: không đố kỵ mà đi tìm Phaolô, một người đã bách hại đạo, và giới thiệu cho cộng đoàn tín hữu tiên khởi; cộng tác với Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống hòa hợp với anh em, để nhờ đó con có thể sống hòa hợp với Chúa.

  • 12/06/09 THỨ SÁU TUẦN 10 TN

Mt 5,27-32

SỰ TRIỆT ĐỂ CỦA NƯỚC TRỜI

"Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị sa vào hỏa ngục." (Mt 5,29)

Suy niệm: Thật tai hại khi câu nói "Hy sinh đời bố củng cố đời con" trở thành hướng sống cho nhiều người hôm nay. Họ liều lĩnh chấp nhận mọi mánh khóe, kể cả táng tận lương tâm, để thu vén tiền của. Vì thế, gia sản họ để lại cho con cái cũng chỉ là tiền của và mưu gian. Họ nghĩ rằng không ai biết việc họ làm và nếu có biết, họ cũng bất chấp. Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh họ và những ai sống như thế. Có thể thiên hạ không ai có tang chứng vật chứng về việc họ làm, nhưng Thiên Chúa biết rõ tâm can họ. Nhân chứng những việc họ làm là lương tâm của họ, buộc họ phải đối diện và trả lời những chất vấn của lương tâm. Họ có thể liều lĩnh đánh mất một cuộc đời, nhưng không thể trốn tránh cuộc sống đời đời với những hậu quả do việc mình làm. Thực ra, chỉ vì không dám đối diện với lương tâm và can đảm nhìn nhận cuộc sống đời sau mà con người nhắm mắt đánh đổi làm liều. Tuy nhiên, sự thỏa thích một đời không thể so sánh với hạnh phúc đời đời bên Chúa. Vì thế, "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị sa vào hỏa ngục."

Mời Bạn: Là những môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta quyết tâm sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, dù có thiệt thòi mất mát ở đời này, miễn sao vui hưởng được đời đời trong Nước Trời.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy đòi hỏi của Tin Mừng vượt quá sức của con người chúng ta không? Ơn thánh Chúa đóng vai trò gì trong việc sống thánh?

Sống Lời Chúa: Cố gắng chừa bỏ một thói xấu của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, xin cho con biết lấy tình yêu để đáp lại tình yêu Chúa, qua các nỗ lực nên thánh hằng ngày của con.

  • 13/06/09 THỨ BẢY TUẦN 10 TN

Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 5,33-37

SỐNG TRUNG THỰC

"Hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'; thêm thắt điều gì là do ác quỉ." (Mt 5,36)

Suy niệm: Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, những phương tiện truyền thông càng nhanh chóng, càng tinh vi, người ta càng phải tỉnh thức trước những lớp sóng truyền thông tuôn đến từ khắp nơi. Có những điều là thật, có những điều chỉ có một nửa sự thật, và cũng có những điều - như trong nhiều mục quảng cáo chẳng hạn - "nói vậy mà không phải vậy." Thiên Chúa là Sự Thật, nơi Người không có chút gian dối nào. Chính vì thế, để dạy chúng ta sống làm con Chúa biết dùng lời nói phụng sự cho sự thật, Chúa Giêsu đưa ra một qui tắc vàng ngắn gọn, súc tích: 'Có' thì nói 'có'; 'không' thì nói 'không.'

Mời Bạn: Nhiều người nói mình thích nhất sự trung thực và ghê sợ những con người hai lòng, gian dối, nhưng lại rất dễ ứng xử, nói năng dối trá, coi đó như chuyện bình thường, thậm chí, như một lẽ sống khôn ngoan ở đời. Người kitô hữu tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, được kêu mời để sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật một cách rõ ràng dứt khoát và coi đó là một nét biểu hiện căn tính kitô hữu của mình, bởi vì thêm thắt điều gì không phải sự thật đều "là do ác quỉ."

Sống Lời Chúa: Sống cho sự thật, tôi can đảm bênh vực cho ai bị hiểu lầm, oan ức, biết khiêm tốn nhìn nhận những sai trái khuyết điểm của mình để rồi quyết tâm sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa đã sống để rao truyền Sự Thật và chết để làm chứng cho Sự Thật. Xin cho chúng con biết tránh xa những thói gian dối lọc lừa theo lối thế gian, và luôn sống trong sự thật để xứng đáng là những người con cái của Chúa.

  • 14/06/09 CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN - B

Mình và Máu Thánh Chúa Kitô Mc 14,12-16.22-26

NHU CẦU SỐ MỘT

"Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy... Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người." (Mc 14,22.24)

Suy niệm: Những người còn sống sót sau nạn đói năm Ất Dậu 1945 không thể nào xoá nổi ký ức kinh hoàng về cái đói; họ cảm nghiệm sâu đến tận xương tuỷ nhu cầu ăn uống liên quan thiết yếu tới bản năng sống còn của con người nó mãnh liệt như thế nào. Đoàn lũ dân chúng theo Chúa đây hầu như quên cơn đói cồn cào của bao tử vì một cơn đói khác còn mãnh liệt hơn: đói Lời Chúa. Đáp lại, Chúa hoá bánh ra nhiều như món khai vị cho cơn đói thể xác, để rồi Ngài sẽ tiếp tục dọn lên món chính là Mình và Máu Thánh Ngài để làm no thoả cơn đói thiêng liêng. Ngài cũng sẽ "cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ", và lần sau này Ngài nói rõ ràng: "Này là Mình Thầy".

Mời Bạn: Có khi vì quá nghèo đói không có gì ăn, người ta bạ gì ăn nấy cốt đánh lừa bao tử. Ngược lại, có khi chỉ vì "no cơm rửng mỡ", thay vì ăn những thứ bổ dưỡng cần thiết cho sự sống còn, người ta tìm đến với những thứ thức ăn độc hại. Trong đời sống thiêng liêng cũng có thể xảy ra tình trạng y như vậy. Bạn có thấy mình và anh chị em mình đang "bị" ăn hoặc cố tình ăn những thứ thức ăn độc hại cho linh hồn không ?

Chia sẻ: Thực ra, ngày nay, nhân loại đang đói những cơn đói nào ?

Sống Lời Chúa: Lời Chúa và Thánh Thể chính là lương thực thiêng liêng không thể thiếu được cho linh hồn bạn. Xin mời bạn đến thuởng thức tại bàn tiệc thánh lễ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa và Thánh Thể và làm cho linh hồn con được no thoả.

(Bài suy niệm lễ Mình Máu Thánh 13/06/2004)

  • 15/06/09 THỨ HAI TUẦN 11 TN

Mt 5,38-42

SỐNG ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO

"Anh em đã nghe luật dạy rằng mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác." (Mt 5,38-39)

Suy niệm: Nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên cực kỳ văn minh tiến bộ, thế nhưng trong quan hệ giữa người với người, có khi lại thụt lùi có khi còn thấp hơn cả thời kỳ của luật "mắt đền mắt, răng đền răng". Người ta cư xử với nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng," giải quyết vấn đề bằng phương tiện bạo lực. Đức Giêsu đã xóa bỏ thứ luật rừng và nguyên tắc vay trả đó, khi Ngài đòi hỏi các môn đệ phải thực thi luật bao dung "yêu cả kẻ thù" và nguyên tắc bất bạo động "đừng chống cự người ác." Điều đó không có nghĩa là người môn đệ Chúa sống nhu nhược, và chịu khuất phục trước sự ác. Nhưng tinh thần của lời Chúa là lòng yêu thương không biên giới, là đường dẫn đến đức ái hoàn thiện vẹn toàn.

Mời Bạn kiểm điểm mình đã yêu thương tha thứ như Chúa dạy hay chưa bằng cách xét xem bạn xử sự như thế nào khi bị người khác làm thiệt hại: Phải chăng bạn bắt đền sòng phẳng? Bạn có tìm cách "chơi" lại họ một vố tương tự hay có khi nặng hơn không? Lời Kinh Hoà Bình mà bạn rất thuộc là diễn giải cụ thể Lời Chúa dạy hôm nay, mời bạn gắng công thực hành.

Chia sẻ: Tình yêu thương tha thứ như Chúa dạy phải được soi dẫn bởi sự thật. Nếu không, tình thương trở thành mù quáng. Bạn nghĩ gì về nhận định này?

Sống Lời Chúa: Làm một việc tỏ biểu lộ tình thân ái hoặc cầu nguyện cho người vừa làm điều ác cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu Người bằng trái tim của Chúa, để mỗi ngày con nên hoàn thiện hơn như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

  • 16/06/09 THỨ BA TUẦN 11 TN

Mt 5,43-48

HÃY NÊN HOÀN THIỆN!

"Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mt 5,48)

Suy niệm: "Hãy nên hoàn thiện"! Mệnh lệnh nghe thật là bất khả thi cho chúng ta, những con người lắm nỗi yếu hèn. Cha Bernard Pitaud, giám tỉnh Xuân Bích Pháp, chú giải câu Tin Mừng trên rằng "Thiên Chúa yêu cầu ta cố gắng trở thành hoàn thiện, theo hình ảnh Ngài - chứ Ngài không đòi ta đạt được sự hoàn thiện." Cũng theo Cha Pitaud, mệnh lệnh bất khả thi nói trên sẽ trở thành khả thi nếu ta nhìn nhận sự hoàn thiện không hệ tại ở chỗ ta đạt được hình mẫu lý tưởng nào đó do mình phác hoạ, mà ở chỗ ta cố gắng trao trọn vẹn con người thật của mình (với tất cả những yếu hèn và giới hạn) cho Chúa Thánh Thần để Ngài sẽ 'nhào nặn' ta nên hoàn thiện theo hình ảnh Chúa Cha, Đấng hoàn thiện ở chỗ Ngài yêu thương hết mọi con cái Ngài, dù là kẻ dữ hay người lành.

Mời Bạn: Thiên Chúa yêu người lành không phải vì họ lành, mà vì họ là con cái của Ngài. Thiên Chúa yêu kẻ dữ với trái tim đầy xót thương, vì Ngài thấy họ là những đứa con đang lạc xa Ngài. Sự hoàn thiện theo Tin Mừng hệ tại ở yêu thương, yêu thương một cách hoàn thiện, yêu thương như Thiên Chúa yêu thương.

Chia sẻ: Theo bạn, sống ơn gọi làm con Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Giêsu thì khó hay dễ? Bạn cần phải điều chỉnh những gì nơi mình để có thể cho phép mình yêu thương cách hoàn thiện như Chúa yêu thương?

Sống Lời Chúa: Ta tâm niệm mỗi ngày sống là cơ hội Chúa ban để ta thực hành yêu thương cách hoàn thiện hơn.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Kính Mến.

  • 17/06/09 THỨ TƯ TUẦN 11 TN

Mc 6,1-6.16-18

NỘI TÂM

"Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mc 6,18)

Suy niệm: Chúa mời gọi thính giả đi vào nội tâm cách khéo léo khi đưa ra những hình ảnh trái ngược nhau về cùng những việc đạo đức: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Một bên biểu diễn bên ngoài, một bên đi vào chiều sâu tâm hồn. Ba lần Chúa kết luận: "Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." Mối quan hệ tôn giáo trước hết là với chính Thiên Chúa mà ta tôn thờ, chớ không phải là với con người, nên cần phải được phát khởi từ nội tâm, và qui về nội tâm, chứ không phải tô son đánh phấn, khua chiêng đánh trống bên ngoài. Quả là một bài học thiết thực và đáng cho ta lưu tâm, vì nếu không, ta sẽ dễ chạy theo thành tích, tìm kiếm tiếng khen để rồi rơi vào những hình thức hào nhoáng, nhưng hời hợt, bên ngoài thì hoành tráng còn bên trong rỗng tuếch.

Mời Bạn: Nhớ lại dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, một biệt phái và một thu thuế. Rà soát lại xem cung cách mình cầu nguyện, sống đạo, sống bác ái có thật sự phát khởi từ nội tâm, và chỉ qui hướng về Chúa là Đấng thấu suốt tâm lòng mình không.

Chia sẻ: Điều rất thật là trong tương quan giữa người và người, ai cũng muốn cái tâm, cái lòng, cái hồn của nhau, chứ không phải cái mã, cái vỏ, cái xác bên ngoài. Huống gì với Thiên Chúa là Đấng linh thiêng, thấu suốt mọi tâm hồn.

Sống Lời Chúa: Thứ tư hàng tuần, chúng ta học đòi gương thánh Giuse, một vị thánh của âm thầm nội tâm, sống cho bên trong hơn là bên ngoài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con tìm gặp Chúa trong sâu thẳm hồn con Amen.

  • 18/05/09 THỨ NĂM TUẦN 11 TN

Mt 6,7-15

LẠY CHA CHÚNG CON

"Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: 'Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.' " (Mt 6,7-15)

Suy niệm: Gọi Thiên Chúa là "Cha" là điều mới mẻ trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy chúng mình. Yếu tố này đưa họ vào sống mối tương quan Cha-con với Thiên Chúa và làm cho lời cầu nguyện của Ki-tô hữu trở thành lời của người con thân thưa với Cha mình. Trong thời Cựu Ước, khi cầu nguyện, người Do Thái tránh gọi tên Gia-vê, ngoại trừ một lần duy nhất trong năm vào ngày lễ Đền Tội (Hc 50,20). Về phần Chúa Giêsu, Ngài muốn các Ki-tô hữu gọi Thiên Chúa là "Cha" như Ngài vẫn thường thưa với Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu nhận biết và qui hướng cuộc đời trần thế của mình về với Chúa Cha. Trong lời cầu nguyện, Ngài gọi Thiên Chúa là "Cha"; trong cuộc sống, Ngài tận dụng mọi lúc mọi nơi để sống đẹp lòng Cha. "Chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài" mà chúng mình cũng được gọi Thiên Chúa là "Cha."

Mời Bạn: Cầu nguyện với Thiên Chúa là "Cha" không chỉ là việc thay đổi tên gọi, mà còn là một đòi hỏi Ki-tô hữu sống đúng thân phận làm con đối với Ngài. Khi đọc kinh "Lạy Cha," bạn có tâm tình của người con thảo, nỗ lực sống đúng phận làm con với Thiên Chúa như Chúa Giêsu nêu gương không?

Chia sẻ: Vì sao chúng mình được gọi Thiên Chúa là "Cha"?

Sống Lời Chúa: Hiệp một lòng với Chúa Giêsu, bạn dùng Kinh "Lạy Cha" để thân thưa với Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Cha, trong Con Một yêu dấu của Cha là Chúa Giêsu, chúng con được làm con cái của Cha và sống nhờ Thần Khí của Cha. Xin cho con biết sống đẹp lòng Cha trong mọi hoàn cảnh.

  • 19/06/09 THỨ SÁU TUẦN 11 TN

Thánh Tâm Chúa Giêsu Ga 19,31-37

BIẾT NÓI TIẾNG YÊU THƯƠNG

Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực. (Ga 19,34-35)

Suy niệm: Một người lính Thái Lan có nhiệm vụ duy trì trật tự tại thủ đô Băng-cốc trong cuộc biểu tình của phe áo đỏ đã tâm sự rằng: "Tôi không muốn làm họ đau" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 15, ngày 19/4/2009, trang 5). Thật tuyệt vời một trái tim biết yêu thương! Những con bẹc-giê cao lớn sẵn sàng nhảy xổ vào cắn xé đám người phía trước chẳng hề hận thù gì với chúng; còn anh, thì không. Anh không muốn làm cho ai đau đớn, dù là một xây xước, vì anh là con người và trái tim anh được Thượng Đế tạo nên để chỉ nói tiếng yêu thương, để hòa nhịp với trái tim Chúa Giêsu. Trên thập giá, nước được hiểu về Chúa Thánh Thần (Ga 1,33) và máu đã chảy ra từ trái tim của Chúa Giêsu vừa minh chứng giá cao Thiên Chúa phải chịu để cứu độ nhân loại, vừa biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Khi nhìn lên trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, thánh Gioan và Mẹ Maria đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa và trái tim các ngài vang vọng tiếng yêu thương của Chúa Giêsu.

Mời Bạn: Bạn thường để tâm theo dõi nhịp tim, đề phòng các chứng tim mạch. Điều ấy rất tốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần theo dõi tính mẫn cảm của trái tim bạn, biết đâu nó đã "xơ cứng" rồi, không còn biết yêu thương!

Chia sẻ: cảm nhận của bạn khi nhìn lên thánh giá.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút nhìn lên thánh giá và xin ơn biết yêu như Chúa yêu.

Cầu nguyện: Hát bài: "Trong Trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi…"

  • 20/06/09 THỨ BẢY TUẦN 11 TN

Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria Lc 2,41-51

TRÁI TIM TẬN HIẾN

Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2,51)

Suy niệm: Nói đến Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Maria là nói đến sự tận hiến của Mẹ đáp lại lòng yêu thương Thiên Chúa. Cụ thể, Mẹ khắc ghi sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mọi khoảng khắc cuộc đời và tìm ý Ngài để vâng theo. Đức tin mách bảo cho Mẹ rằng, Chúa Giêsu luôn ở cùng Mẹ trong mọi biến cố. Sự hiện diện ấy trở thành lời mời gọi, thúc bách Mẹ đáp trả trong sự vâng phục cao độ và dám sống hiến dâng, dám sống tử đạo cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Có Chúa trong cuộc đời, Mẹ sẵn sàng "xin vâng" theo ý muốn của Thiên Chúa, cốt sao cho Thiên Chúa cũng được hiện diện trong tâm hồn mọi người. Theo J. B. Metz, lời "xin vâng" quảng đại như thế đã là một sự tận hiến, vì "sự vâng phục thường chìm ngập trong bóng đêm, trong sự chới với của tâm hồn cạnh bờ thất vọng." Vì thế, Mẹ trở nên khí cụ sống động và hiệu quả của Thiên Chúa trong việc truyền giáo.

Mời Bạn: Chúa Giêsu hiện diện trên "từng cây số" cuộc đời của bạn như từng hiện diện trong cuộc đời của Mẹ Maria. Mẹ đã dâng hiến cuộc đời mình để thánh ý Chúa biểu lộ. Còn bạn, đâu là sự hiến dâng của bạn cho Thiên Chúa?

Chia sẻ những kinh nghiệm của bạn khi sống theo ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng sống đúng ý Chúa trong ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Hôm nay con muốn sống một ngày như Mẹ đã sống. Hôm nay con muốn đi con đường Mẹ đã đi qua. Mẹ sống là phục vụ, Mẹ đi để trao Giêsu. Xin cho con noi gương Mẹ biết dấn thân phục vụ tha nhân, yêu thương chân thành. Xin cho con noi gương Mẹ biết xin vâng, vâng theo ý Cha, luôn sống vị tha.

(Lời bài hát "Sống một ngày như Mẹ")

  • 21/06/09 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN - B

Mc 4,35-41

VỮNG TIN VÀO LỜI CHÚA

Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi." Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế ? Các con không có đức tin ư?" (Mc 4,38-40)

Suy niệm: Trước cơn cuồng phong dữ dội, từng đợt sóng lớn ập vào khiến thuyền ngập đầy nước cơ hồ muốn chìm, các môn đệ, dù là những dân chài kinh nghiệm, cũng đâm hoảng sợ; lòng trí các ông chao đảo không kém con thuyền nhỏ bé của mình. Như người sắp chết đuối vớ lấy bất cứ vật gì trôi nổi quanh mình, các môn đệ cuống cuồng đánh thức Chúa Giêsu, một người thợ mộc, và xin Ngài cứu, kẻo họ chết mất. Ngài đã cứu họ không phải bằng một kỹ năng hàng hải mà bằng một mệnh lệnh cho sóng biển: "Hãy im đi, hãy lặng đi!" Một lời của Chúa Giê-su dẹp yên sóng gió cũng là lời quyền năng dẹp tan những lo lắng khủng hoảng trong lòng các môn đệ. Điều Ngài yêu cầu các ông là hãy "VỮNG TIN" vào Ngài.

Mời Bạn: Trong cuộc sống, nhiều lần chúng mình bị chao đảo bởi những lo lắng cho miếng cơm manh áo, bởi lo sợ cho tương lai bất định, bởi hãi hùng trước những bất ổn xã hội. Những lúc đó, lòng chúng mình cũng hoảng sợ không kém các môn đệ trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng mình hãy VỮNG TIN vào Ngài và vào quyền năng của Ngài.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy niệm Lời Chúa, đặc biệt khi gặp khủng hoảng, chao đảo trong cuộc sống và xin ơn VỮNG TIN vào Lời Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng đã ra lệnh cho biển yên gió lặng, xin dẹp tan những sóng gió trong lòng chúng con để chúng con luôn biết vững tin vào Chúa và quyền năng của Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.

  • 22/06/09 THỨ HAI TUẦN 12 TN

Th. Paolinô, giám mục Nôla Mt 7,1-5

XÉT MÌNH

"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy." (Mt 7,1-2)

Suy niệm: Các nhà hiền triết tự cổ chí kim đều coi việc xét mình là cơ bản cho sự khôn ngoan. Triết gia Socrates nói: "Hãy biết mình." Đức Khổng tử nói người quân tử giống như kẻ bắn cung, nếu bắn trật thì xét lại chính mình (chứ đừng chê cây cung bị cong). Đức Phật cũng coi việc giác ngộ như bước đầu để thành Phật. Chúa Giêsu dạy "đừng xét đoán" người khác nhưng trước tiên hãy xét mình, bởi vì khi mình chưa loại bỏ được cái xà trong mắt mình, là những nết xấu và thành kiến của mình, thì mình không thể thấy và lấy được cái rác trong mắt anh em. Với cái nhìn tầm xa hơn, việc xét mình còn giúp mình nhận thức rõ hơn thân phận mình trước mặt Thiên Chúa: thân phận tội lỗi. Như thế, nếu chúng ta mong được Thiên Chúa phán xét với lòng thương xót, thì chúng ta cũng phải biết sống với anh chị em bằng lòng nhân ái bao dung.

Mời Bạn: Kinh nghiệm bản thân cho thấy chúng mình thích xét người hơn xét mình. Xét mình thì dễ thấy những điều tốt đẹp còn xét người thì, ôi thôi, biết bao là nết xấu. Để diệt trừ tận căn xu hướng thiên lệch ấy, mời bạn thực hành xét mình theo chiều sâu: không chỉ xét mình theo kiểu mình có phạm điều gì trong 10 điều răn hay không, mà còn xét những hành vi tiêu biểu của mình - dù chưa phải là hành vi tội lỗi - xem những động cơ sâu xa nào đã tác động lên chúng.

Sống Lời Chúa: Chọn một việc đã làm trong ngày để xét mình theo chiều sâu.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen.

  • 23/06/09 THỨ BA TUẦN 12 TN

Mt 7,6-12.14

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ SỐNG

"Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, và cửa hẹp thì đưa đến sự sống."(Mt 7,13-14)

Suy niệm: Nói chuyện đi lại, ai chẳng bực bội với cảnh kẹt xe! Về vấn đề nhà ở, ai lại muốn cảnh tù túng chật chội của những căn nhà ổ chuột! Đường xá thênh thang, nhà cao cửa rộng luôn có "sức hút" đối với mọi người. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta "Hãy qua cửa hẹp…" xem ra thật khó nghe và không hợp thời trong một xã hội đề cao vật chất! Thế nhưng, Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta một mớ lý thuyết suông mà không có những bài học thực tế từ chính cuộc đời Ngài. Để dạy YÊU THƯƠNG, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Để dạy HIỀN LÀNH, Ngài đã đón nhận bản án bất công, chịu đóng đinh, chịu chết trên thập giá. Ngài đã chọn con đường thập giá để thực hiện bài học con đường hẹp dẫn đến sự sống mà Ngài dạy chúng ta hôm nay.

Mời Bạn: Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta luôn đối diện với hai cánh cửa RỘNG-HẸP trong cuộc đời. Với TỰ DO là món quà Chúa ban, chúng ta có quyền để quyết định cho mình cánh cửa thích hợp để bước qua? Đó là một thách thức không nhỏ! Chân thành nhìn lại chính mình, chúng ta có dám chọn đi theo con đường hẹp trong cuộc sống cụ thể hiện tại của chúng ta không?

Sống Lời Chúa: Phục vụ bằng một việc hoặc cho một người mà theo tính tự nhiên mình không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giữa những xáo trộn và hào nhoáng của cuộc sống, xin ban cho con luôn có NIỀM TIN và sự KHÔN NGOAN, để biết tỉnh táo chọn lựa những giá trị Tin Mừng qua những nỗ lực hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày. Amen.

  • 24/06/09 THỨ TƯ TUẦN 12 TN

Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả Lc 1,57-66.80

BÀN TAY CHÚA Ở VỚI EM

Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?" Và quả thật, bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,66)

Suy niệm: Tiến sĩ Panayiotis Zavos, người Mỹ, một chuyên gia về khoa sản, quả quyết rằng ông đã tạo ra 14 phôi người theo phương pháp sinh sản vô tính và đã đưa 11 phôi vào tử cung bốn phụ nữ. Ông nhấn mạnh: "Hoàn toàn không còn nghi ngờ về điều này nữa. Có thể tôi là người đầu tiên làm việc này. Đứa trẻ sinh sản theo phương pháp vô tính sắp ra đời. Đó là điều không thể đảo ngược..." (Người Lao Động Online 23/4/09). Trong khi đó, sinh sản vô tính là việc làm bất hợp pháp ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể, khi nghe biết điều này nhiều người để tâm suy nghĩ và tự hỏi: không biết thế giới rồi ra sẽ thế nào đây? Nhiều người để tâm suy nghĩ trước việc Gioan được sinh ra. Đứa trẻ này hẳn có một sứ mạng cao cả bởi vì họ thấy rõ sự can thiệp của Thiên Chúa nơi nó. Sự sống con người có một căn tính thánh thiêng và cuộc đời con người mang một sứ mạng cao cả. Vì thế, con người đáng được kính trọng vì là công trình của Thiên Chúa sáng tạo.

Chia sẻ: Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề sinh sản vô tính? Có thể chấp nhận được không?

Sống Lời Chúa: Tôn trọng sự sống con người bằng cách cư xử kính trọng với mọi người và tích cực bảo vệ thai nhi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những sự kiện phi thường tiên báo sứ mạng tiền hô của thánh Gioan khiến mọi người xung quanh kinh ngạc. Con thì chẳng có gì trổi vượt, nhưng chính Chúa đã an bài cho con trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa giữa mọi người. Xin làm cho Tình yêu Chúa luôn hiện diện ngay trong chính thân phận nhỏ bé của con. Amen.

  • 25/06/09 THỨ NĂM TUẦN 12 TN

Mt 7,21-29

NGHE VÀ THI HÀNH Ý CHÚA

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! Lạy Chúa' là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7,21)

Suy niệm: Ca dao tục ngữ là kho tàng kinh nghiệm của cổ nhân chứa đựng những lời khuyên thực tiễn trong cách ứng xử, thường nhắc chúng ta cảnh giác trước những người có lời nói đãi bôi, đầu môi chót lưỡi, vì lắm khi họ hứa "mười voi không được bát nước sáo." Đối với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ người ta, những lời "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" sẽ chỉ là những lời sáo ngữ rỗng tuếch vô giá trị nếu như người nói không đong đầy chúng bằng tấm lòng hiếu thảo đối với Chúa là Cha mình. Cũng thế, chúng ta chỉ có đức tin đích thực khi đức tin đó biến đổi ta nên con cái Thiên Chúa và khi lời tuyên tín của ta được thể hiện qua hành động thực hiện ý muốn của Ngài.

Mời Bạn: Cốt lõi của đời sống đạo không phải là "đi lễ, đọc kinh" mà là thực hiện ý Chúa. Vì thế, kỹ năng sống đạo còn phải bao gồm việc học hỏi Thánh Kinh, suy niệm Lời Chúa và kiểm điểm đời sống dưới ánh sáng của Lời Ngài. Các buổi tĩnh tâm cũng rất cần thiết để giúp ta thuần thục những phương pháp lắng nghe và nhận biết thánh ý Chúa. Bạn đã quan tâm thực hiện những phương thế đó để nâng cao chất lượng đời sống đạo của bạn chưa?

Chia sẻ: Sinh hoạt nhóm, đoàn thể của bạn có bao gồm việc học hỏi Thánh Kinh và chia sẻ Lời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm các việc thực hành sống đạo xem chúng có giúp bạn nhận biết và thi hành ý Chúa hay chưa. Điều chỉnh những gì cần thiết.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha với ý nguyện xin cho ý Chúa được thể hiện.

  • 26/06/09 THỨ SÁU TUẦN 12 TN

Mt 8,1-4

VỊ LƯƠNG Y GẦN GŨI

Người giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh hãy được sạch." Lập tức anh được sạch bệnh phong. (Mc 8,3)

Suy niệm: Trong trận chiến chống dịch cúm H1N1, những biện pháp cách li nghiêm ngặt nhất được áp dụng. Những nhân viên y tế, cảnh sát mặc bộ đồ trùm kín để virus không thể xâm hại được. Thời Chúa Giêsu, người bệnh phong cũng thuộc hạng người bị loại trừ. Họ sống vất vưởng như những con vật bị ruồng bỏ, bị cách li; hễ có ai đến gần, họ phải rung chuông báo để mọi người xa lánh. Chúa Giêsu có thể đứng từ xa ra lệnh để chữa bệnh. Nhưng ngài đã chọn cách đến gần, bất chấp những rào cản của thói tục xã hội: Ngài hỏi han người phong, rồi giơ tay đụng chạm đến anh và nói lời chữa bệnh. Thái độ ân cần nói lên cung cách của Chúa: Chẳng những Ngài muốn gần gũi, tiếp xúc với những ai cần đến lòng thương xót của Ngài mà Ngài còn mang lấy tật bệnh chúng ta để chúng ta được chữa lành.

Mời Bạn: Đó cũng là điều Chúa Giêsu muốn làm khi thiết lập các bí tích. Qua các dấu chỉ hữu hình và đơn sơ, Chúa Giêsu hiện diện, hành động và ban ơn. Ở đây không phải là một thao tác cứu độ được thực hiện từ xa, nhưng là một vị Thiện Chúa thực sự muốn tiếp xúc, muốn thâm nhập vào đời sống cá nhân, cộng đoàn để chia sẻ và chữa lành.

Sống Lời Chúa: Mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi lắng nghe Lời Ngài và nhận lấy Thánh Thể của Ngài để Ngài chữa lành tật bệnh linh hồn tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cúi xuống trên những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn nhân loại chúng con. Xin cho chúng con cũng theo gương Chúa, đến gần với những anh chị em đang đau khổ, những bị xa tránh và khinh khi.

  • 27/06/09 THỨ BẢY TUẦN 12 TN

Th. Cyrillô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Mt 8,5-17

XỨNG ĐÁNG NHỜ TIN

"Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh." (Mt 8,8)

Suy niệm: Người Nhật tự nhận mình là con của thần Mặt Trời. Dân tộc ta thì tự hào mình là con Rồng cháu Tiên. Người Do Thái cũng vậy, họ hãnh diện được tuyển chọn làm dân riêng của Thiên Chúa. Khác một điều là vai trò "tuyển dân" ấy không phát xuất từ một truyền thuyết hay từ một tước hiệu tự phong mà từ lời giao ước Thiên Chúa ký kết với họ, để qua họ, Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng họ quên đó là một đặc ân mà trái lại, tự mãn coi đó như một đặc quyền đương nhiên dành cho "con cái Ápraham" để rồi coi khinh dân ngoại và khước từ chính Đấng Cứu Thế. Qua thái độ của viên sĩ quan tự nhận mình không xứng đáng và nài xin Chúa với một lòng tin mạnh mẽ, Chúa Giêsu cho thấy rằng không phải do huyết thống nhưng chính là do lòng tin mà muôn dân có thể trở thành "tuyển dân thời Cứu Thế." Quả thực mọi người vốn dĩ không xứng đáng nhưng được trở nên xứng đáng nhờ tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà Chúa Cha sai đến để ban ơn cứu độ.

Mời Bạn: Tin là chân nhận mình chẳng đáng và hoàn toàn thuận theo ý Chúa. Ước gì lời nguyện "Lạy Chúa, con chẳng đáng…" ta đọc trong thánh lễ trước khi hiệp lễ còn được biểu lộ nơi mọi suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hằng ngày của ta nữa.

Sống Lời Chúa: Nhìn lại cuộc sống để nhận ra những đặc ân Chúa ban và dâng lên Chúa lòng biết ơn và lời cam kết sống xứng đáng với những ơn lành đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mặc dù con bất xứng, nhưng Chúa đã thương cứu độ và nhận chúng con là con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sống thế nào để xứng đáng với hồng ân đã lãnh nhận.

  • 28/06/09 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN - B

Mc 5,21-43

MỐI GIAO TIẾP ÂM THẦM

Đức Giêsu thấy có một năng lực từ nơi mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông và hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?" (Mc 5,31)

Suy niệm: Ngạn ngữ Trung hoa có nói: "Một cây đổ gây ồn ào hơn một cánh rừng đang mọc." Quả thật, vào một khu rừng, người ta dễ chú ý đến cây cổ thụ bách niên cao ngất, nhất là khi chúng gãy đổ, hơn là chú ý đến những bông lau sậy mong manh, tầm thường. Thế nhưng mảnh đất dưới chân thì biết chúng và còn biết chúng đã hút được chất nhựa sống nào từ lòng đất. Ở giữa đám đông ồn ào chen lấn đó, Chúa Giêsu là nguồn sự sống cũng thấu biết sự giao tiếp âm thầm giữa Ngài với tâm hồn nào tin tưởng và khao khát ơn Ngài cứu độ và tâm hồn nào thực sự xứng đáng đón nhận quyền năng cứu sống và chữa lành xuất phát tự nơi Ngài.

Mời Bạn: Để có thể đến với Chúa và được Ngài biến đổi, mời bạn đặt mình vào thân phận một con người đơn sơ bé nhỏ nhưng tin tưởng và khát khao mãnh liệt được gặp Chúa, đồng thời nỗ lực vượt qua những trở ngại của cuộc sống bon chen. Nếu bạn e ngại mình không biết cầu nguyện thế nào cho "hay" thì bạn cũng có thể giao tiếp với Ngài bằng một tâm tình âm thầm nhưng đơn sơ chân thành. Chúa nhận biết niềm tin và ước vọng của những tâm hồn bé nhỏ tầm thường; và Ngài ban ơn cứu độ cũng một cách giản dị và âm thầm như thế.

Chia sẻ: Bạn thường cầu nguyện với Chúa như thế nào?

Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh chung, dành ít phút thinh lặng để mỗi người cầu nguyện riêng với Chúa.

Cầu nguyện: Bạn dâng lên Chúa lời cầu nguyện bằng những tâm tình đơn sơ và chân thành nhất của mình.

  • 29/06/09 THỨ HAI TUẦN 13 TN

Th. Phêrô và th. Phaolô, tông đồ Mt 16,13-19

SỐNG CHO NIỀM XÁC TÍN KITÔ

"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,16)

Suy niệm: Ngày 5/7/1885, Pasteur tiêm vắcxin bệnh dại cho Meister, một cậu bé bị chó dại cắn, một căn bệnh vô phương cứu chữa thời đó, và cậu bé đã được chữa khỏi. Thành công vang dội đó mở ra một kỷ nguyên mới cho y học cũng như cho nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nữa. Để đạt được kết quả này, Pasteur đã kiên trì theo đuổi xác tín mà ông khám phá hàng chục năm trước đó rằng hiện tượng lên men (rượu, bia, v.v…) hay một số bệnh tật không phải là do tự sinh như nhiều người lúc đó vẫn tưởng mà là do một số vi sinh vật gây ra. Lời tuyên tín của Phêrô "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa" không phải là kết quả của những nghiên cứu, thí nghiệm nhưng do Thiên Chúa mạc khải, cũng là một xác tín mãnh liệt có sức thay đổi cả cuộc đời. Cuộc đời của Phaolô thay đổi tận gốc rễ cũng do một xác tín mãnh liệt như thế về Đức Kitô: "Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt" (Cv 9,5). Niềm xác tín Kitô của hai tông đồ đã góp phần hình thành kỷ nguyên mới của Hội thánh Chúa Kitô.

Mời Bạn: Niềm xác tín Kitô khiến thánh Phêrô thổ lộ: "Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?" (Ga 6,68). Còn thánh Phaolô thì khẳng định: "Đối với tôi, sống là Đức Kitô" (Pl 12,21). Cả hai ngài dấn thân vì Tin Mừng Đức Kitô đến độ hy sinh cả mạng sống. Còn bạn, niềm xác tín Kitô của bạn đã và đang tác động đến đời sống bạn thế nào?

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt bằng cách lặp lại lời xác tín của hai thánh tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin Chúa giúp con vượt qua sự nhát gan, hổ thẹn để mạnh dạn loan báo Tin Mừng của Chúa.

  • 30/06/09 THỨ BA TUẦN 13 TN

Các thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma Mt 8,23-27

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI

"Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?" (Mt 8,27)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay nêu bật điều cần thiết nhất đối với người môn đệ Chúa Giêsu: đó là sự hiện diện của Chúa trong mọi phút giây của cuộc sống. Hình ảnh Chúa Giêsu "xuống thuyền" và các môn đệ "đi theo Người" diễn tả một cách sống động việc con thuyền Giáo Hội "ra khơi" có Chúa là vị thuyền trưởng quyền năng luôn ở bên. Sự hốt hoảng của các môn đệ trước cơn sóng dữ cho thấy lòng tin của các ông còn bị hạn chế. Dẹp tan sóng gió, Chúa dạy cho các môn đệ hiểu rằng: có Chúa thì không một tạo vật hay sự dữ nào có thể làm hại được người môn đệ. Hãy tin tưởng vào Chúa và sự hiện diện của Người!

Mời Bạn: Gương sống đức tin của các thánh tử đạo tiên khởi giáo đoàn Rôma mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, là một bằng chứng cho thấy một khi đã tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời các ngài dám can đảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin đó. Quả thật, Giáo Hội Chúa đã trải qua hơn hai ngàn năm với biết bao sóng gió mà vẫn tồn tại mạnh mẽ, không một sức mạnh nào có thể lay chuyển vì có Chúa luôn đồng hành. Mời bạn nhìn lại những biến cố sóng gió xảy ra cho bạn hay trong cộng đoàn của bạn và chỉ cho nhau thấy dấu chứng sự hiện diện của Chúa và bàn tay can thiệp của Ngài dẫn dắt cộng đoàn ra khỏi cơn sóng gió đó.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối ngày để nhìn lại những biến cố xảy ra trong ngày sống để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết mình yếu đuối, dễ dàng đánh mất niềm tin vào Chúa bất cứ lúc nào. Xin Chúa hãy ở với con, nhất là trong những giờ phút khó khăn nhất. Amen.

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes