Thánh Giuse và Mẹ Maria chỉ cần bấm số gọi cho nhau “Nè, con có đi với em (anh) không?” là sẽ phát hiện ra ngay đã bị lạc mất "nhóc" Giêsu nơi đền thờ. Bởi vậy cho nên, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải vất vả cực nhọc đi tìm con sau cả ngày bị lạc.
Hai môn đệ trên đường Emmaul khi nhận ra người đang nói chuyện với mình là Thầy Giêsu sẽ bốc máy ra nhắn tin cho mấy ông tông đồ còn ở trong thành “Tụi tui vừa gặp Thầy, đúng là Thầy sống lại rồi”. Bởi vậy cho nên, hai ông đã phải tất tả lội ngược về báo cho các tông đồ, thông tin đi trễ mất mấy ngày!
Bà Maria Madalena sáng sớm ra mồ Chúa phát hiện mồ trống sẽ đứng lại “giữ nguyên hiện trường”, chỉ cần bấm máy gọi mấy ông tông đồ ra xem. Bởi vậy cho nên, bà đã phải chạy về, rồi các ông mới chạy ra, lỡ đâu trong lúc đó có kẻ gian làm “xáo trộn hiện trường” thì không biết phải làm sao.
Chiều lễ Tiệc Ly, Chúa Giêsu cùng các tông đồ dùng bữa cuối trước khi Chúa chịu khổ hình. Sau khi các môn đệ ngồi vào bàn, bánh và rượu đã sẵn sàng, Chúa Giêsu nói “Hôm nay là một ngày quan trọng, Thầy chuẩn bị ban cho anh em phép Thánh Thể. Nhưng trước tiên anh em vui lòng tắt điện thoại di động hoặc để ở chế độ rung, ai muốn nghe thì vui lòng ra ngoài…”. Bởi vậy cho nên, ngày nay người ta đi Lễ mà điện thoại reng reng liên tục. Tại vì thời Chúa chưa có điện thoại di động, nên trong Kinh thánh không có chép câu nhắc nhở này. Cũng tại thời đó hổng có điện thoại di động, nên thời bây giờ mới phát sinh lắm câu hỏi hóc búa như thế này:
- Không biết giữa giám đốc, hay thậm chí là chủ tịch hội đồng quản trị (hay ai lớn chức hơn nữa) và Thiên Chúa, thì ai to hơn nhỉ? Không biết giữa cuộc họp của công ty và Thánh lễ, cái nào quan trọng hơn nhỉ? Không trả lời được, vì
o Cuộc họp thông thường: người chủ trì xướng câu nhắc nhở quen thuộc trước khi bắt đầu, mọi người lấy điện thoại ra điều chỉnh, ai muốn nghe thì thậm thụt cúi xuống gầm bàn, nói khe khẽ, hoặc chạy ra ngoài ngay lập tức. Ông giám đốc nào khó tính, cấm tiệt luôn không cho sử dụng điện thoại trong lúc họp, tất cả đều tuân thủ răm rắp, tắt hẳn điện thoại, cứ điện thoại mà reng lên một tiếng thì bảo đảm người đang nhét điện thoại trong người mặt mày xanh lét, miệng xin lỗi rối rít, và nhanh tay tắt máy (Phép lịch sự tối thiểu mà lỵ!)
o Trong nhiều Thánh lễ: chuông điện thoại reng reng liên tục, thậm chí có người còn vô tư trả lời ngay tại chỗ, át cả tiếng Cha giảng, mặc xác những ánh mắt dòm ngó của những người xung quanh. Có thể bỏ qua cho điện thoại reng một lần, vì quên hay sai sót gì đấy, nhưng điện thoại reng lại hai ba lần nữa thì khó giải thích quá.
- Người ta có thể tắt điện thoại trong các buổi họp quan trọng kéo dài ba bốn giờ, hoặc thậm chí cả ngày, nhưng chỉ một giờ Thánh lễ cho cả một tuần bảy ngày lại không thể sao? Có phi vụ làm ăn quan trọng tới vậy cơ à?
- “Phát minh của con người” thì quan trọng hơn “Đấng sáng tạo ra con người” à?
- Điện thoại là vật để con người sử dụng, hay là vật sử dụng con người mà phải lệ thuộc và “sợ” nó đến thế?
- Muốn khoe “tui đây xài điện thoại di động”? Hay chạy ra chạy vô liên tục để trả lời điện thoại là vì “tui là người rất quan trọng và vô cùng bận rộn”?
- Chúa trên Thánh giá không đưa mắt nhìn (chính xác là “lườm”) người có điện thoại reng vô kỷ luật (như ông giám đốc thường làm) nên người ta chả cảm thấy sao cả...
- Không biết có giáo xứ nào liệt cái “điện thoại di động” vào danh sách các vấn nạn chung với mấy vụ như “đi lễ từ xa” (đứng tít ngoài đường, thậm chí không biết trong nhà thờ lễ đang...tới khúc nào), “con giận Chúa rồi” (ngồi quay lưng vào nhà thờ, ngắm đường xá bên ngoài), hay “lời tỏ tình trong giờ Lễ” (tâm sự trên xe máy),…chưa nhỉ?
Có một lần đi lễ, chắc hẳn nhiều người trong nhà thờ khoái chí muốn vỗ đùi cái đét, khi Cha giảng ngưng hẳn bài giảng để nhắc nhở cái vụ điện thoại di động, vì cứ 5 phút thì cùng một tiếng chuông lại cứ reo lên với âm lượng cả nhà thờ cùng nghe?!?
Đi lễ phải nghe tiếng chuông điện thoại di động reo chói tai mà cứ chép miệng “Giá mà thời Chúa Giêsu đã có điện thoại di động…”Saigon đêm mưa
1 nhận xét:
rất thực tế cho cuộc sống hôm nay...Đó là một vấn nạn...
Post a Comment
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!
♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...
♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.