Search Our Blog

Aug 23, 2010

Lòng tự trọng

Lòng tự trọng

Tục ngữ ta có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”- dù đói khổ đến đâu cũng không làm điều gì trái với lề thói xã hội và gia phong, danh giá gia đình. Tục ngữ phương Tây cũng có câu “Khát thì uống nhưng không uống thuốc độc”. Đó chính là thể hiện lòng tự trọng của con người, trước tự xử sự với mình, sau xử sự với người xung quanh.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời nào cũng đầy ắp lòng tự trọng đó. Ngày nay, với lòng tự hào dân tộc và tự trọng cá nhân, biết bao chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia; biết bao công nhân, nông dân vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới, để trụ vững, đi lên trong cạnh tranh kinh tế...
Song rất đáng tiếc, những năm gần đây, do đánh mất lòng tự trọng nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CB-ĐV) đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Nếu có lòng tự trọng công dân, chứ chưa nói là đạo đức, trách nhiệm CB-ĐV, chắc rằng họ sẽ không nghĩ ra mưu ma chước quỷ, dấn sâu vào con đường bán rẻ danh dự cá nhân, đục khoét của Nhà nước, của nhân dân để “vinh thân, phì gia”; sẽ không có chuyện khai man lý lịch, mua bán bằng cấp, để được đề bạt, lên lương... Nếu có lòng tự trọng thì chắc rằng người thầy thuốc sẽ rất ngượng ngùng khi có tiền “lót tay” mới khám chu đáo và chăm sóc tận tình người bệnh; sẽ không có chuyện đang tâm ăn chặn tiền cứu trợ lũ lụt, tiền trợ cấp người nghèo, người có công, tiền chống dịch...
Sau cùng, nếu có lòng tự trọng, chắc rằng những người quyền cao chức trọng, khi không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí sai lầm, sẽ xin từ chức, xin miễn nhiệm, chứ không chờ đến tổ chức phải ra quyết định miễn nhiệm.
Người có lòng tự trọng là không tự dối mình, hỡm mình, dối trên lừa dưới, cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại. Lòng tự trọng của con người bình thường đã rất quan trọng, bởi đó là danh dự cá nhân. Đối với CB-ĐV, đặc biệt đối với người có chức quyền, lại càng quan trọng. Bởi nếu không có lòng tự trọng, người ta có thể làm bất cứ việc gì mà họ muốn miễn là có lợi cho mình, dù có hại người, thậm chí hại nước hại dân, như đã và đang xảy ra hàng ngày xung quanh ta.
Nhưng lâu nay, việc quản lý và giáo dục CB-ĐV thường mới chú trọng những vấn đề đại sự, cao siêu như lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị..., mà rất coi nhẹ về nhân cách, sinh hoạt và cách ứng xử, trong đó có lòng tự trọng, tự giác của cá nhân. Ngay việc kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, việc xếp loại đảng viên, tổ chức đảng cũng có tình trạng tương tự. Do vậy, mới có hiện tượng một số CB-ĐV ở cơ quan, doanh nghiệp thì được “đánh giá” là tốt, nhưng ở khu dân cư và ra ngoài xã hội thì kém. Có cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng được xếp là vững mạnh, trong sạch, nhưng không ít thành viên lại yếu kém.
Coi trọng phát huy nhân tố chủ quan của con người, mà lòng tự trọng của con người là thành tố rất quan trọng, cần được nhận thức đúng và làm đúng.
Đan Tâm
 (SƯU TẦM)

0 nhận xét:

Post a Comment

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!

♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...

♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes