Search Our Blog

Apr 8, 2009

Thứ Năm Tuần Thánh: THÁNH THỂ

Thứ năm tuần thánh:
THÁNH THỂ


Một mặc khải về con người của Thiên Chúa

Những tư tưởng sau đây tôi bắt gặp và suy nghĩ sau khi nghe bài giảng huấn của Lm. Ðinh Quang Thịnh. Những tư tưởng là tôi say mê và cũng đã mở ra cho tôi một cái nhìn mới về Thánh Thể, về con người của Thiên Chúa nhập thể: Chúa Giêsu.
Câu hỏi về Thiên Chúa đã được chính Maisen nêu lên khi ông lãnh trách nhiệm dẫn dắt dân Thiên Chúa và về vai trò được trao cho ông. Ông đã hỏi Chúa, “vậy nếu họ hỏi tôi, ‘tên Ngài là gi’? Tôi sẽ nói với họ như thế nào?” Thiên Chúa phán: “Ta là đấng ta là” (Xuất Hành 3:13-14). Và Ðấng ấy theo Thánh Gioan diễn tả trong sách Khải Huyền chính là “Alpha và Omega” (Khải Huyền 1:8). Có nghĩa là Nguyên Thủy và Cùng Ðích. Ðấng mà tác giả Thánh Vịnh 83 gọi là Yavê: “Chỉ có người mang danh Yavê, Ðấng Tối Cao trên khắp cõi trần” (Thánh Vịnh 83: 19).
Mặc dù tên Ngài là Yavê, nhưng căn cứ vào câu trả lời của Thiên Chúa cho Maisen về tên của Ngài, và lời giải thích của Thánh Gioan vẫn rất mơ hồ và không đáp lại được thao thức của con người khi thật sự họ muốn biết về Ngài. Nhưng làm sao một loài thụ tạo lại có thể biết được Ðấng Tạo Hóa của mình? Cũng như Thánh Augustine muốn biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

Tuy không có thể “biết” đầy đủ về Thiên Chúa, nhưng con người vẫn nhận ra được sự hiện hữu của Ngài. Ngài không để chúng ta phải thất vọng nhưng đã tỏ mình ra để chúng ta có thể cảm nhận được Ngài. Cũng Thánh Gioan đã nêu lên một định nghĩa về Ngài khi viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gioan 4:8). Như vậy, tất cả những gì mà Cựu Ước đã nói về Ngài, hôm nay được thu gọn vào một định nghĩa vừa đơn sơ, vừa dễ hiểu, và cũng vừa thu hút được niềm tin của con người. Không ai có thể nói mình xa rời Thiên Chúa và không hiểu được Ngài khi biết rằng Ngài là “Tình Yêu”, vì ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu, và ai cũng biết yêu. Do đó, theo Thánh Gioan, hễ ai biết yêu và cảm nhận được tình yêu, thì người đó cũng hiểu và biết được Thiên Chúa, vì Ngài không là gì khác hơn là “tình yêu”.

Thiên Chúa là ai?

Thiên Chúa là ai? Trình thuật của Thánh Gioan cho biết trong số các Tông Ðồ khi được Chúa Giêsu hỏi, chỉ có một mình Phêrô là đã trả lời được câu hỏi ấy: “Thầy là Ðức Kitô của Thiên Chúa” (Luca 9:20). Nhưng như vậy, có lẽ cũng vần còn mơ hồ. Vẫn còn là một cái gì khó hiểu đối với con người. Và phải chờ đến khi Chúa Giêsu nói về chính mình. Ngài nói:
“Ta là bánh hằng sống. Ta là bánh từ trời xuống” (Gioan 6:35,41).

“Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo ta sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Gioan 8:12).
“Ta là cửa chuồng chiên. Ai vào qua cửa này sẽ được cứu độ. Ai vào và ra qua cửa này sẽ tìm được đồng cỏ” (Gioan 10:7, 9).
“Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành thì thí mạng sống mình vì chiên. Ta là mục tử nhân lành, ta biết chiên ta và chiên ta biết tâ” (Gioan 10:11, 14).

“Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).

“Ta là cây nho thật và cha ta là người chủ vườn. Ta là cây nho, các con là cành” (Gioan 15:1,5).

Ðức tin dậy chúng ta rằng Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha. Do đó, tất cả những gì Ngài nói về mình cũng là nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tóm lại, Ngài cho nhân loại, cho con người biết Thiên Chúa là ai: Ðó chính là tình yêu.

Trong tất cả những điều mà Chúa Giêsu nói “Ta là” đều nói lên một tình yêu hết sức chân thành, hết sức gần gũi, và hết sức mật thiết với con người và cuộc sống của con người. Con người qua định nghĩa của Thánh Gioan và qua những gì Chúa Giêsu đã nói về mình như sờ được và cảm được Thiên Chúa. Một Thiên Chúa hết sức gần gũi và yêu thương.

Thánh Thể: Thiên Chúa hiện thân

Ðọc và suy ngắm tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã nói Ngài “là”, chúng ta thấy hiện ra một mặc khải rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể. Và vì thế có thể nói rằng nơi Thánh Thể, con người đón nhận toàn vẹ và được xuyên thấu, hòa nhập vào tình yêu của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, qua việc đón rước Thánh Thể, chúng ta đã làm cho tình yêu ấy được nên trọn theo lòng ao ước của Thiên Chúa.


Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã cho biết ước vọng của Thiên Chúa là được ở với loài người, được yêu thương con người. Ngài nói với các môn đệ: “Thầy ước ao ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu nạn” (Luca 22:15). Ăn lễ Vượt Qua tức là cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả gói trọn trong Bí Tích Thánh Thể qua hai câu nói trước và sau của Chúa Giêsu: “Ta là bánh hằng sống. Ta là bánh từ trời xuống” (Gioan 6:35,41). Và câu: “Ta là cây nho thật và cha ta là người chủ vườn. Ta là cây nho, các con là cành” (Gioan 15:1,5). Bánh và rượu nho như Chúa Giêsu đã dùng để lập Bí Tích Thánh Thể. Như vậy, khi rước Thánh Thể là mang trọn lấy Thiên Chúa tình yêu, được nuôi dưỡng, cũng như lớn lên và tan biến trong tình yêu Thiên Chúa. Qua Thánh Thế, con người hiểu và cảm nhận được Thiên Chúa là ai và như thế nào.

Có Chúa Giêsu ở cùng cũng là có Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng. Ánh sáng của Ba Ngôi sẽ trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi để khỏi bị bước đi trong bối tội tội lỗi và sự chết: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo ta sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Gioan 8:12).
Trong tình yêu thương ấy, chúng ta sẽ đi ra, đi vào một cách tự do và tin tưởng, vì chắc chắn tìm được ơn cứu độ. Hơn nữa, chính tình yêu ấy sẽ nuôi dưỡng chúng ta như chiên được nuôi dưỡng trên đồng cỏ non: “Ta là cửa chuồng chiên. Ai vào qua cửa này sẽ được cứu độ. Ai vào và ra qua cửa này sẽ tìm được đồng cỏ” (Gioan 10:7, 9). Hơn thế, được hướng dẫn và chăn nuôi bằng mục tử nhân lành. Ðấng đã sẵn sàng thí mạng vì mình: “Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành thì thí mạng sống mình vì chiên. Ta là mục tử nhân lành, ta biết chiên ta và chiên ta biết ta” (Gioan 10:11, 14).

Và sau cùng, chính tình yêu Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trở thành đường dẫn ta về Thiên Ðàng, trở thành sự thật chúng ta không hề bị lầm lạc, và chính là sự sống của chúng ta: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).

Một Bí Tích diễn tả cách trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa, mặc khải cách đầy đủ về Thiên Chúa như vậy nên chúng ta không lạ gì Chúa Giêsu đã tỏ ra “ước ao” để cử hành với chúng ta mọi ngày. Và đó là điều tại sao mỗi ngày khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Ngài sẽ đem chúng ta lại gần với Tình Yêu Thiên Chúa và sống sung mãn trong tình yêu ấy. Hơn nữa, đó cũng là dịp để tình yêu ấy trở nên tuyệt hảo nơi chúng ta như “ao ước” của Chúa Giêsu. Trong Thánh Thể: “Tình yêu Thiên Chúa đã nên tuyệt hảo nơi ngài. Cách thế mà chúng ta chắc chắn được hiệp nhất với ngài” (1Gioan 2:5).
Bánh và rượu. Lúa miến và cây nho, là một vòng tròn khép kín diễn tả trọn vẹn những gì Thiên Chúa là. Ngài là tất cả, và là tình yêu đời đời mà chúng ta phải tìm kiếm, phải yêu mến và đón nhận. Thánh Tôma Tiến Sỹ khi suy về Phép Thánh Thể cũng đã thốt lên: “Thiên Chúa, Ðấng thông minh và tốt lành tuyệt đối, cũng không làm gì được hơn việc Ngài thiết lập Phép Thánh Thể”. Và cùng với Tôma chúng ta hãy “phục bái tôn thờ”. Nhưng nhất là hãy năng đến để đón nhận Ngài vào tâm hồn qua việc tham dự Thánh Lễ và rước Thánh Thể mỗi ngày.

Trần Mỹ Duyệt



1 nhận xét:

♥♥♥♥♥ Jennifer™® ♥♥♥♥♥ said... Trả Lời

your blog is very good

Post a Comment

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!

♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...

♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes