Lời toà soạn: Mời qúi vị độc giả thửơng thức một chuyện đời thật cảm-động của một tiến-sĩ nguời Trung-Hoa, tốt nghiệp toán học tại Đại-Học Harvard. Chuyện đời thường thì ở đâu cũng là sự thật đáng nêu gương cả. Tựa đề do toà soạn chọn. Xin trân trọng cám ơn anh Nguyễn Đình Cường đã email cho bài này. (QV)
Ngày 5/9/1997, ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở khoa Toán trường Đại học Bắc Kinh. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân tập tễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những sợi mì này có được do mẹ đã đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ nhận đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.
Bưng bát mì, mắt tôi trào lệ. Buông đũa, tôi quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân mẹ sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao, tôi chẳng biết nói gì… Nhà tôi vô cùng nghèo khó ở làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, thành phố Thiên Tân.
Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi. Tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại; các món nợ nần trong nhà lớn dần theo thời gian, năm tháng. Khi bảy tuổi, tôi được đi học, mẹ lại phải đi vay mượn rất nhiều để trang trải học phí cho tôi. Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì đã bị bỏ đi, còn ngắn tũn. Tôi phải dùng dây buộc thêm vào nó một cái que làm cán để viết. Lại còn dùng một cái dây chun thay tẩy để xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó. Mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc nuốt nước mắt đi vay vài hào bên hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi. Nhưng mẹ luôn vui vẻ vì bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm.
Được mẹ khích lệ, tôi càng học càng ham và thực sự không hiểu trên cuộc đời này còn gì vui sướng hơn là học. Tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm từ trước khi vào tiểu học. Vào tiểu học, tôi bắt đầu tự học chương trình toán lý hoá của bậc trung học thổ thông. Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu. Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.
Nhưng thật buồn, khi tôi báo tin vui, nét mặt bố mẹ tôi vẫn không hết những nét khổ đau. Bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang cận kề thế giới bên kia, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười ngàn Nhân dân tệ. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt chan hòa suốt cả ngày. Đến tối, tôi nghe thấy nhà ngoài có tiếng cãi cọ. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng bố tôi không chịu. Ồn ào làm ông nội tôi nghe thấy. Bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời. Sau lễ tang ông nội, gia đình tôi lại mắc thêm vài ngàn tệ nợ nần.
Mẹ định bán lừa cho tôi đi học, nhưng ba không đồng ý.
Không dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất tờ “Giấy báo nhập học” thật kỹ vào trong gối, hàng ngày ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và bố cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi. Bố sắt mặt lại, hỏi mẹ: “Bà bán con lừa con rồi sao? Bà bị dở hơi không? Sau này lấy gì kéo xe? Lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?”. Hôm đó mẹ đã gào khóc, dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để át lại bố: “Con mình đòi đi học thì có gì sai? Nó là đứa duy nhất huyện này thi lên được trường số 1 của thành phố, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho con tôi đi học…”
Tôi thật sự muốn quỳ dập đầu trước mẹ. Mẹ đưa tôi 600 tệ bán lừa. Tôi được học, mà còn học tiếp, thì mẹ ơi, mẹ sẽ khổ sở biết bao nhiêu, vất vả bương chải thêm bao nhiêu nữa vì con?
Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy bố tôi gầy guộc, da vàng bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ lặng lẽ bảo tôi: “Sơ sơ thôi, bị cảm, sắp khỏi rồi”. Tình cờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của bố, thì nhận ra đó là thuốc ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Tôi khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào. Mẹ nói, từ sau khi tôi đi học, bố bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa bố lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là ung thư đường ruột. Bác sĩ yêu cầu bố phải mổ gấp. Mẹ đang định đi vay tiền tiếp, nhưng bố kiên quyết không cho.
Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa! Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp thủ công và vất vả nhất trên đời để gặt lúa mạch.. Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to… Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối còn chảy máu vì quỳ, bước đi cà nhắc… Thương mẹ khôn xiết, tôi vừa khóc vừa chạy về nhà, gọi mẹ:
“Mẹ ơi mẹ, con không đi học nữa đâu…”. Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường. Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ có 60 đến 80 tệ (1 US dollar = 7 Nhân dân tệ), thật thảm hại khi so với những người bạn học đồng niên, mỗi tháng họ có tới 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng cắc. Có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm dăm ba chục. Mà bố tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa. Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì ăn liền với giá bán buôn.
Rồi cứ cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ 6km tới một xưởng in ngoài thị trấn để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. Cắt tóc nam ở Thiên Tân rẻ nhất cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn. Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân mà đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi. Chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra: Chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài.
Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng: khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa...) để thay xà phòng. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ. Làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào. Tôi yêu mẹ tôi biết nhường nào. Lúc mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi hoa mắt, nhức đầu vì chẳng hiểu gì. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh như thế nào, mẹ chỉ cười hiền lành bả “Mẹ vẫn biết con là đứa trẻ khổ cực nhất, nhưng mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa con trai ạ.”
Mẹ ơi, con sẽ thành công
Tôi có tật nói lắp, người ta bảo học tiếng Anh cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường lấy một hòn sỏi ngậm vào miệng, rồi luyện tiếng Anh.. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng kiên trì. Nửa năm qua đi, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn, lưỡi tôi cũng đã mềm hơn, tiếng Anh của tôi đứng thứ 3 trong lớp. Tôi vô cùng biết ơn mẹ, lời mẹ đã khích lệ tôi vượt qua khó khăn trong học tập. Năm 1996, lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic Vật lý toàn Trung Hoa. Đoạt Cup rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới. Tôi không ngăn được khát khao của mình, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi. Nhưng chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, bỏ ăn. Dù đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng. Về trường, tôi ngồi nghe các thầy phân tích nguyên nhân thất bại, nguyên nhân là: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Tôi tham lam quá chăng?
Nếu tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định thắng. Tôi hiểu ra điều đó. Tháng 1/1997, cuối cùng tôi đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia. Cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Nộp xong phí báo danh, tôi gói ghém sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ, sẵn sàng lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và cũng là thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo cũ của người khác cho, những thứ áo quần cổ lổ màu sắc, kích cỡ lủng củng, liền mở tủ áo của tôi, chỉ vào những áo những quần lùng nhùng vá víu và hỏi: “Quần áo của con thế này đây ư, Kim Bằng?”
Tôi đáp: “Thầy ơi, con không sợ người khác cười con nghèo đâu! Mẹ con vẫn bảo 'phúc hữu thi thư khí tự hoa' (có nghĩa là, trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa), con mặc những thứ này gặp tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng chẳng thấy ngượng.”
Ngày 27/7, Olympic Toán học Thế giới lần 38 khai mạc. Chúng tôi thi liên tục trong năm tiếng rưỡi đồng hồ, từ 8h30 phút sáng tới 14h00 chiều. Trong buổi công bố kết quả vào hôm sau, đầu tiên tôi không muốn nghe thấy tên mình được công bố ở vị trí Huy chương Đồng; Sau đó đến lượt công bố Huy chương Bạc, không phải tôi. Cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên và thứ hai không phải tôi, người thứ ba - tên tôi được đọc dõng dạc. Tôi khóc lên vì vui sướng, tôi tự nhủ: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”
Ngay chiều hôm đó, Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học. Ngày 1/8, chúng tôi trở về trong vinh quang. Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức lễ đón thật long trọng.
Lúc đó, tôi rất muốn về nhà, muốn sớm được gặp mẹ, muốn được chính tay đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ. Mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã băng đêm về nhà. Người mở cửa là bố, nhưng người ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ.
Dưới bầu trời đầy sao, mẹ đã ôm tôi rất chặt ! Ôi mẹ của con mới vĩ đại làm sao, thân thương biết nhường nào!
Lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, tôi khóc nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Ngày 12/8, trường Trung học số 1 của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng các quan chức ngành giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:
“Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình dị, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã nâng bước tôi suốt cả cuộc đời.
Tôi bỗng nhớ...
Năm lớp 10, tôi muốn mua cuốn “Đại từ điển Anh-Trung” để học tiếng Anh, không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi. Sau bữa cơm sáng, mẹ mượn một chiếc xe cút kít, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn 40km để bán. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ. Lúc đó, đói cồn cào, chỉ mong có ai mua cho hết rau.. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ. Có tiền, tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo mua sách trước, đó mới là mục đích chính. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 8,25 tệ, mua sách rồi còn 11,75 tệ. Mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ còn lại mẹ bảo cất đi để làm học phí. Ăn hết hai cái bánh bột nướng, đi
Khi nói, mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn xa xăm ra con đường đất ngoài kia, như thể con đường ấy dẫn tới tận Thiên Tân, tới Bắc Kinh. Đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mày chóng mặt. Ôi chao, lúc này tôi mới nhớ ra đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa. Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ bả “…Mẹ ít học, nhưng mẹ nhớ thuở ấu thơ được thầy giáo dạy cho một câu nói của Gorki: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh... chắc chắn con sẽ đỗ'.
Khi nói, mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn xa xăm ra con đường đất ngoài kia, như thể con đường ấy dẫn tới tận Thiên Tân, tới Bắc Kinh. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng không thấy đói nữa, chân cũng bớt chồn hơn… Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của cả đời tôi”.
Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt ướt đẫm. Tôi quay người về phía mẹ tôi tóc đã bạc nhiều, cúi người kính cẩn trước người mẹ vĩ đại của tôi, người thày giáo giỏi nhất cuộc đời tôi.
Cám ơn mẹ!
(Sưu tầm)
|