CHÚA PHẠT !
A
i không một lần trong đời bị phạt nhỉ?Phạt là dấu hiệu răn đe về một lầm lỗi đáng phạt, khi những lời chỉnh sửa không đem lại kết quả mong muốn. Thường hình phạt chỉ nhắm tới những lỗi phạm cố tình và có cảnh báo trước. Lầm lỗi là bản chất con người “errare homanum est”. Do đó luật là những điều khoản chung nhằm bảo vệ, duy trì trật tự và giữ cho công lý trong cuộc sống xã hội được thăng bằng. Có nhiều thứ luật. Nước có quốc pháp, nhà có gia pháp. Mục đích của luật là nhắm tới tình thương, công minh, hạnh phúc…cho cộng đoàn đang sống. Khi luật đã được mọi người công nhận và thực hiện thì không có ‘lệ’ để theo sau để lèo lái luật theo hướng thuận lợi cho người phạm luật.
Trong Kinh Cựu Ước, ý tưởng luật pháp được đề cập rất nhiều. Trải khắp trong các thánh vịnh thì luật Chúa được ca tụng là “sự hoàn thiện, dịu ngọt trong cuộc sống”…Những bản luật khắc trên bia đá mang từ “trên núi” xuống cũng chỉ vỏn vẹn mấy khoản khuyên răn cách tiêu cực :“chớ làm…”, và cách tích cực : “hãy làm…” để chuẩn bị đi vào một điều luật duy nhất của Tân Ước : “Mến Chúa- Yêu Người”.
Tuy vậy, những câu chuyện được ghi chép lại giống như một sự trừng phạt tàn bạo của Giavê Thiên Chúa cũng đáng làm ta hoảng hốt. Cơn đại hồng thuỷ ngày xưa vẫn thường được ví von trong những trận lụt lội bão táp ở nơi này nơi khác, ngọn lửa thiêu huỷ Sôđôm cũng được mường tượng trong cái nắng cháy da người nơi xứ này xứ kia. Những cuộc chinh phạt của đế quốc ngoại bang khiến dân lầm than, bị lưu đày tập thể…cũng giống như những cuộc chiến nguyên tử để quốc gia này thôn tính quốc gia khác, để biết bao cảnh tang thương, chết chóc gặm nhấm nỗi đau con người! Có những người ‘đạo đức’ ngẫm ra rồi cho là do tội lỗi nhiều quá, Chúa phạt!
Thiên đàng rồi cũng có hoả ngục. Xem ra Thiên Chúa cũng ‘nóng tính’ và thích trừng phạt thật!
Thế thì còn đâu những ưu phẩm của Thiên Chúa mà tôi từng được học : Đấng Nhân Từ vô cùng, Đấng yêu thương vô cùng, Đấng thương xót vô biên, Đấng công thẳng nữa…
1. Ngài chậm bất bình và rất mực khoan nhân :
Trong một tâm trạng bất an và thiếu thốn, con người luôn hướng tới một cái gì thiện hảo và an toàn. Tiến lên cao, họ đối diện với một thực thể tuyệt đối và cảm thấy mến yêu, khát vọng. Những cảm nghiệm về nguồn tuyệt đối làm nảy sinh những ý niệm gần gũi và kéo theo những cảm xúc của thực thể đó giống như mình. Mình có những cảm xúc gì thì cũng tưởng như thực thể đó cũng rung động như thế. Và Thiên Chúa cũng sẽ giận dữ, trừng phạt những thái độ không hợp với ý Ngài! À không, vì Ngài là Thiên Chúa nên dùng từ đó khó nghe, chỉ bất bình thôi. Bởi vì nơi Thiên Chúa chỉ có lòng khoan dung tha thứ, nên những điều con người gây ra cho Ngài, Ngài đâu có chấp chiếm. À không, Thiên Chúa rất nhân hậu nên Ngài không hề có ý định trừng phạt ai. À không, Ngài là Tuyệt Đối nên mọi sự coi là xúc phạm tới Ngài cũng chẳng làm phai mờ đi một li những phẩm chất và vinh quang của Ngài. Ngài đã là thế thì muôn đời là thế. Ngài không thể ‘phản bội’ lại lòng thương xót của Ngài, nên tình thương ấy vẫn rạng ngời, vẫn nóng bỏng, vẫn tiền hậu y nguyên trên cả vũ trụ và thế giới này, dù là nhân loại đã tìm cách khước từ luật Chúa truyền hay chối bỏ lòng lân tuất ấy.
Có thế, tôi mới hiểu ra được cái ý nghĩa những cuộc thanh trừng nơi hoang địa, khi rắn độc bò ra cắn chết nhiều người; con rắn đồng đã được treo lên làm dấu chỉ sự tha thứ và cứu sống.
2. Con đã lỗi phạm tới Trời và tới cha :
Phải rồi, lỗi phạm là do con người chứ không phải sự sơ sót của Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu tạo dựng, Giavê cũng không tạo ra điều ác. Chỉ khi con người lạm dụng sự tự do và tính kiêu căng mà phản bội lòng nhân từ, thì sự ác mới nhen nhúm vào dương gian để rồi tác oai tác quái ngày càng tinh ranh hơn. Cuộc chiến giữa thiện và ác trong bản thân càng tàn khốc hơn để, cuối cùng con người nhận ra sự trừng phạt ngay trong bản thân mình. Hình phạt đó chính là sự dày vò của lương tâm, là nhận ra sự lấm lem của mình trước vinh quang tình yêu chói lọi, là cảm thấy xấu hổ trước ánh sáng tinh tuyền chiếu thẳng vào con người mình, bóc trần mọi nhơ uế mà đời mình đã gây ra. Tôi đã lạm dụng tự do của mình cách mù quáng và nhẹ dạ, muốn làm điều mình muốn, bất chấp hậu quả xa và gần để quyết định một điều mà không phù hợp với cứu cánh của đời người, đi ngược với phám đoán của lý trí, của tiếng nói lương tâm, ngược lại với chính tôi. Điều tôi muốn làm thì lại bỏ, điều không nên làm thì cứ làm. Nghĩa là tôi đã đối nghịch với chính mình và gây ra cuộc chiến giằng co thiện ác. Sự đối nghịch ấy vừa chạm tới Trời, vừa đụng vào người tương cận, khiến tôi cảm thấy bất an, dằn vặt, mặc cảm vì bất xứng. Cảm giác này cũng na ná tâm trạng của một người ghẻ lở hôi thối đứng gần một người khoẻ mạnh, quần áo thơm tho, quyền sang chức trọng…
Thế thì hình phạt là do tôi tạo ra, tôi đáng bị trừng phạt chứ không phải Chúa phạt tôi! Vì Chúa chưa hề đoán phạt ai, dù rằng Ngài có đủ uy quyền để làm điều đó. Lòng lân tuất Chúa chỉ ban tặng, cho đi mà không cần đến sự đền đáp. Nếu có sự đền đáp thì cũng chỉ là dấu hiệu quy thuận trời cao để được hưởng trọn vẹn lòng thương xót mà thôi.
Nếu tôi không muốn có ý tưởng “Chúa phạt”, thì tôi cũng phải biết tha thứ cho mình. Điều đó không dễ mà cũng chẳng khó. Miễn là tôi có dám hoà mình vào dòng chảy của ân sủng, để tẩy gột những khuynh hướng không hợp với kiếp người, để uốn nắn những tư tưởng, mọi hành động cho đồng hình đồng dạng với chân thiện mỹ hay không.
0 nhận xét:
Post a Comment
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!
♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...
♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.