Search Our Blog

Oct 31, 2009

CHỮ “TÀI” VÀ CÁI “TÂM”


CHỮ “TÀI” VÀ CÁI “TÂM”
“Có tài mà cậy chi tài; chữ tài liền với chữ tai một vần”: vẫn là câu lục bát trong truyện Kiều, nhưng chữ ‘TÀI” ở đây không còn hiểu theo nghĩa nôm của cụ Nguyễn Du nữa, mà là theo nghĩa Hán Việt: “TIỀN”. Đồng tiền mà người ta hài hước ví ‘là tiên, là phật; là sức bật tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già”. Đồng tiền vạn năng trong giao tế: “Có tiền mua tiên cũng được”. TIỀN – TÀI ấy, hôm nay bị lật mặt nạ, là tác nhân cản trở con người vươn tới hoàn thiện, tới Đấng Hoàn Thiện và mất cả sự sống đời đời. Ở điểm này, chữ tài đúng là liền với chữ tai !
Năm 1963, bắt đấu áp dụng tại Mỹ luật “Cơ hội bình đẳng trong nghề nghiệp” ( Equal Employment Opportunity – EEO ), là luật yêu cầu tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người lao động. Theo đó, người chủ lao động tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, và sa thải người lao động phải công bằng và bình đẳng dựa vào những yếu tố như năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm và những thành quả lao động, không được đưa dựa vào những yếu tố có tính cách phân biệt đối xử như chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, nguyên quán, tuổi tác, bệnh tật, tình trạng hôn nhân, xu hướng chính trị.
Nhưng không phải nói đâu xa: con số 18 triệu người thất nghiệp ngay tại đất nước Mỹ tư bản giàu có, trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, cũng cho thấy “cơ hội bình đẳng” vẫn chỉ là giấc mơ, tuy không ảo tưởng và mị dân như thiên đường trần thế của chủ nghĩa Cộng Sản. Hố sâu giàu nghèo vẫn “nghìn trùng xa cách” và ngày càng không thể lấp đầy được. Cái “Tâm” cá nhân, tập thể, quốc gia, còn quá nhỏ bé, bị chi phối bởi ích kỷ, hưởng thụ, tham vọng, để chữ “tài” có thể trở nên lợi ích đồng đều cho nhiều người và mang lại giá trị đạo đức cho con người. Cuối cùng nó vẫn chỉ là vật cản trở con người nên hoàn thiện, đến nỗi hậu quả nó gây ra nghe thật đáng sợ, khi mà hình ảnh kinh hoàng ấy lại do chính miệng Chúa Giêsu nói ra: “Lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu vào được Nước Trời” ( Mc 10, 25 ).
Chữ “tài” mà chúng ta muốn nói tới hôm nay, được diễn đạt rõ ràng và đầy đủ nhất trong từ tiếng Anh “resource”, là những gì con người có thể có về tinh thần và vật chất, nội tại, ngoại tại và môi trường quanh ta. Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay là một người như thế: một người rất giàu về nhiều phương diện, một loại “gentleman”. Chúa Giêsu cũng phải thầm khen, vì anh ta biết dùng chữ “tài” để làm cho cái “tâm” được sáng, cho việc giữ các giới răn được đúng đắn. Anh sớm thoả mãn với bản thân, với điều kiện vật chất và những nỗ lực giữ lề luật truyền thống. Đi tìm Chúa Giêsu, đến với Người và hỏi Chúa về điều mà anh ta cho là duy nhất mình còn thiếu và cần thực hiện: “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” ( x. Mc 10, 17 ).
Chính lúc ấy trong anh nảy sinh kiêu ngạo và đinh ninh Sự Sống đời đời cũng chỉ như một điều luật, một giới răn – có thể khó khăn, hao tổn công sức thời giờ hơn – nhưng chắc chắn anh ta sẽ làm được, giữ được và đạt được. Anh nhà giàu không phải đi tìm “Sự Sống đời đời” – như miệng anh ta nói – mà chỉ là bổ sung vào bộ sưu tập của anh ta, như người ta sưu tập một món đồ cổ, hoặc một bức tranh nghệ thuật hay đơn giản là một con tem.
Anh ta đã thất bại ! Ngỡ ngàng ! Sụp đổ !
Điều kiện Chúa Giêsu đưa ra không quá khó, nhưng hoàn toàn trái ngược mọi suy nghĩ, toan tính của anh ta, của hầu hết thế nhân mà của cải có nguồn “trong sạch”, được cho là sử dụng đúng đắn, để chu toàn việc đạo, làm việc thiện. Nay phải từ bỏ hết, là đòi hỏi ngoài sức tưởng tượng đến mức phi lý. Theo Đạo không khó. Giữ Đạo – lễ lạy, giữ các điều răn Đức Chúa Trời và Hội Thánh – là điều không vượt quá sức con người. Nhưng sống Đạo, – nên Thánh, nên chứng nhân và đem Chúa đến với mọi người – quả là không dễ dàng, nếu không muốn nói là nhiệm vụ “bất khả thi”, nếu như không có Chúa trợ giúp ( x. Mc 10, 27; Lc 1, 37 ).
Trong những ngày này, Giáo Hội hoàn vũ nói chung và Giáo Hội ở Canada, đau xót và ê chề nhục nhã, khi một Giám Mục bị bắt giữ ( và lệnh kiểm soát kỹ các phi trường, do sợ ngài bỏ trốn ), vì trong máy tính xách tay ( laptop ) có vô số tài liệu và hình ảnh khiêu dâm và ấu dâm, phải ra toà nhiều lần và chắc chắn sẽ nhận án phạt không nhỏ. Điều đáng nói là gương mù gương xấu của tội ác này không chỉ là cái vả vào mặt Giáo Hội, mà chẳng khác nào đem đổ sông đổ biển bao hy sinh gian khổ truyền giáo của tín hữu Canada và cả hoàn cầu. Satan hẳn vô cùng mừng vui, vì hái quả ngon, mà không tốn chút công sức nào, hơn thành quả mà y và các thế lực vô thần xấu xa bỏ công làm hằng thế kỷ !
Nhưng có một điều lạ trong Tin Mừng, nghĩa là trong những lời rao giảng của Chúa Giêsu, hầu như không đề cập gì nhiều về khiết tịnh hoặc các tội liên quan, mà hễ có dịp là nhấn mạnh về tiền tài và những hậu quả xấu xa nó gây nên, khiến có khi người ta có cảm tưởng “anh bần cố nông” Giêsu ghen ăn tức ở với những “cường hào ác bá”, “trọc phú”, “tư bản” và sẵn sàng trút giận lên đám người này. Nhưng ý tưởng hết sức rõ ràng, không thể lẫn lộn: ”Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” ( Mt 6, 24 ).
Lịch sử nhân loại, tâm lý học, cho thấy đầu dây mối nhợ của mọi tội ác chống con người, chống nhân loại, chia rẽ, hận thù, ghét ghen, đều từ chữ “Tài” ( tiền ), do chữ “Tâm” yếu thế, lép vế. Không phải lúc để phân tích chi tiết về những điều này. Chúng ta có thể kết luận rằng “tài” sinh “tình”, chứ không phải là ngược lại. “Tình” là cái có thể chợt nẩy sinh, khiến kẻ nào yếu đuối sẽ dễ bị vấp ngã. Nhưng tiền không đến bất chợt, mà phải tích tụ nhiều năm tháng và cùng với độ cao độ dày của những cọc tiền, độ nặng của vàng ngọc, là sự tích tụ lòng tham, ích kỷ và thèm khát vật chất ngày càng tăng, càng đậm, đúng như cha ông nói: đồng tiền liền khúc ruột. Lấy đi, cắt bớt tiền bạc của những người này, chẳng khác nào cắt đứt ruột họ hoặc lấy đi tính mạng họ.
Văn hào Molière Pháp đã tả rất hay qua hài kịch “Lão Hà Tiện” ( Le Harpagon ). Khi đã có tiền, khi đã gắn bó với tiền, thì tình – ngoại tình, sa đoạ, quan hệ bất chính… – chỉ là điều xảy ra tất yếu. Trong sự khôn ngoan và tình thương vô biên của Người, Thiên Chúa không dùng hai điều răn để ‘trị’ cặp bài trùng “TIỀN – TÌNH”, mà là hai cặp giới răn, chiếm hơn một nửa con số bảy giới răn về “tương quan người - người”.
Cũng vì thế, được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội lấy nghèo khó làm phương châm sống và tuyên bố Giáo Hội là của người nghèo, luôn đứng về phía người nghèo, khác với những chủ thuyết, chế độ lợi dụng người nghèo “không còn gì đế mất”, để đấu tranh quyền lực và vật chất cho phe đảng, rồi sau đó vứt bỏ đám dân ngu như vứt trái chanh hết nước, và quay lại bợ đỡ, sùng bái, cung phụng những kẻ họ đã dùng đám bần cố lật đổ. Số phận, đích đến của tín hữu Công Giáo cũng sẽ như thế, nếu chỉ máy móc nói về nghèo khó, hô hào sống nghèo, mà trong thâm tâm, trong thực hành, lại vun vén ích kỷ, làm mọi sự và mọi cách – kể cả trái lương tâm – để có tiền, có nhiều tiền.
Thần Mammon là cái hic et nunc, là “tiên là phật”: một sự gắn bó giữa Chủ ( Mammon ) và Nô ( con người ). Thần Tài đối nghịch với Thiên Chúa. Nước Trời – Sự Sống đời đời – không dành cho những ai gắn bó và tôn thờ thần Mammon. Trong bức tranh “Chết Dữ”, con người khi sống đã gắn bó thờ phụng bạc tiền, thì khi hấp hối cũng chỉ nghĩ đến tiền bạc, không màng đến Sự Sống hoặc hình phạt đời đời.
Lạc đà chui qua lỗ kim: không tưởng ! Nhưng lời Chúa hứa ban ơn giúp biến điều không thể thành hiện thực: Với Ơn Chúa, Giakêu đã làm được. Với Ơn Chúa, Phanxicô thành Assisi đã làm được. Với Ơn Chúa, bao nhiêu Linh Mục, Tu Sĩ ( và cả Giáo Dân ) đã khấn hoặc hứa và đã trọn đời sống Đức Khó Nghèo, bởi hiểu rằng không có khó nghèo, sẽ không thể nên thánh và không thể sống các nhân đức khác được, cũng như sẽ dễ dàng gục ngã trước những cám dỗ. Không dứt khoát giã từ vật chất, tiện nghi, sa hoa, không kiên quyết chặt đứt những cái vòi bạch tuộc – tiền tài bám víu và níu kéo, bất cứ ai cũng sẽ bị lôi chìm xuống đáy sâu tối tăm tội lỗi.
Con người có tham lắm thì cũng chỉ một túi ba gang. Túi to hơn, gấp năm gấp ba lần, thì phải trả giá cho lòng tham và cái giá không hề nhỏ: sự sống. Người anh xấu trong truyện “Ăn khế trả vàng” đã xứng đáng chịu như thế. Cái giá con người gắn bó với tiền, bỏ ngoài tai tiếng gọi của Chúa còn đáng sợ hơn, đó chính là Sự Sống đời đời.
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 18
“Bầu trời đấy sao trên đầu, luật lệ đạo đức tận đáy lòng”: đó là hai đối tượng để Kant thường xuyên suy ngẫm. Đó cũng là hai thuật ngữ trong suy gẫm đức tin, nhưng trở thành lời ca ngợi và cầu xin; vinh quang quy về Thiên Chúa và nài xin ân huệ Người ban. Tâm hồn say mê chiêm ngắm bầu trời bao la thống trị trái đất, như một bản hoà tấu mênh mông bát ngát và êm ái nhẹ nhàng. Thế rồi tinh tú mặt trời chiếm lĩnh thế giới, như một lực sĩ trẻ xuất hiện ở chân trời ban mai và nhảy một bước sang chân trời chiều tà, bao phủ vạn vật dưới ánh sáng và sức nóng ấm của nó.
Trong khi đó, bí ẩn và nhiệm mầu, một MẶT TRỜI khác nhẹ nhàng và mãnh liệt toả một ánh sáng mới, một sức nóng ấm mới: LUẬT của Thiên Chúa, mà mỗi tia sáng là chân lý, là sự phong phú không cùng, soi sáng tâm trí và lôi kéo ý muốn. Kho tàng, tiền bạc thế giới là gì so với kho tàng mà Thiên Chúa tích tụ trong tâm hồn con người mở rộng ra với ánh sáng của Người, trong một con tim thưa vâng với tình yêu của Thiên Chúa. Tiếc thay ! Như người ta có thể khép mắt trước mặt trời, người ta cũng có thể khép mắt với luật Chúa. Ước gì mặt trời tâm hồn chúng ta toả chiếu trong chúng ta cũng mạnh mẽ và còn mạnh mẽ hơn là mặt trời chiếu vào mắt thịt chúng ta. Ước gì luật bác ái yêu thương vĩ đại điều hoà chỉnh đốn con tim chúng ta, như định luật vật lý điều hoà thế giới !
CVK NGUYỄN THẾ BÀI, ĐƯỜNG TÌNH CHÚA DẪN CON ĐI 18

0 nhận xét:

Post a Comment

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với Nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Hãy để lại nhận xét để nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ!

♦ Nhận xét sẽ bị chặn vì những lý do sau: không có tên cụ thể, Không gõ dấu tiếng Việt, Nhận xét với mục đích spam, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của cá nhân, tôn giáo hay quốc gia,...

♦ Nếu không có tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment asTên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

 
Graphic and Design by nldesign | Premium Blogger Themes